1. Nguy cơ tàn phế cao
Viêm khớp dạng thấp là bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi (nhiều nhất là từ 30-60 tuổi), nữ thường gặp nhiều hơn nam. Viêm khớp dạng thấp không chỉ đơn thuần là bệnh lý về khớp mà còn là một bệnh tự miễn điển hình với các biểu hiện tại khớp, ngoài khớp và toàn thân ở nhiều mức độ khác nhau.
Bệnh diễn tiến phức tạp, gây hậu quả nặng nề. Do đó, bệnh nhân cần được chẩn đoán sớm và điều trị tích cực ngay từ đầu bằng các biện pháp hữu hiệu nhằm duy trì khả năng lao động, sinh hoạt và cải thiện tỷ lệ tàn phế, tử vong.
Các chuyên gia y tế cho biết: Sau khi khởi bệnh 10 năm, khoảng 10-15% bệnh nhân bị tàn phế phải cần đến sự trợ giúp của người khác. Khả năng làm việc giảm khi người bệnh trên 50 tuổi và lao động nặng.
2. Triệu chứng tại khớp
– Giai đoạn sớm: người bệnh bị cứng khớp buổi sáng trong thời gian ngắn, sưng nóng đỏ đau một vài khớp nhỏ ở chi có thể không đối xứng. Triệu chứng này kéo dài vài tuần.
– Giai đoạn toàn phát: Người bệnh bị cứng khớp buổi sáng rõ và thường kéo dài hơn một giờ. Sưng, nóng, đỏ, đau các khớp, thường là khớp nhỏ ở bàn tay có tính chất đối xứng. Biến dạng khớp khiến tay có hình thoi, hình cổ thiên nga, bàn tay biến dạng lệch trục về phía xương trụ, co rút gân cơ, bán trật khớp… Hạn chế vận động ở tất cả các khớp bị đau.
Các khớp bị ảnh hưởng gòm: Liên đốt gần bàn tay, bàn ngón tay, khuỷu, gối, cổ chân.
3. Triệu chứng ngoài khớp
– Triệu chứng toàn thân: Người bệnh bị sốt nhẹ, mệt mỏi, ăn kém.
Khi có các dấu hiệu lâm sàng nói trên, nhất là với nữ trong độ tuổi trung niên cần đi khám chuyên khoa cơ xương khớp càng sớm càng tốt để được đánh giá tình trạng bệnh và điều trị sớm.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương – Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh