Bệnh đau vai gáy rất phổ biến, thường gặp ở những người làm việc nhiều với máy tính, người ngồi lâu. Bệnh này tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng khiến người bệnh mệt mỏi và chất lượng cuộc sống giảm nhiều.
Nguyên nhân gây đau vai gáy
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra chứng bệnh này. Cũng có trường hợp, bệnh tự xuất hiện mà không có nguyên nhân rõ rệt. Các nguyên nhân thường gặp bao gồm:
– Do ngồi làm việc liên tục với máy tính, ngồi sai tư thế, làm việc sai tư thế trong thời gian dài, gối đầu hoặc tựa đầu trên ghế, nằm xem ti vi….Đây là nhóm nguyên nhân phổ biến nhất gây ra đau vai gáy.
– Do các bệnh lý gây ra như thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, thoái hóa cột sống cổ, vẹo cổ bẩm sinh, do dị tật hoặc có chấn thương vùng cổ.
– Ngồi trước máy điều hòa, quạt trong thời gian lâu, tiếp xúc nhiều với mưa, nắng cũng là yếu tố dễ dẫn đến đau vai gáy. Việc không đội mũ khi ra ngoài trời nắng khiến ánh nắng mặt trời chiến thẳng vào vùng vai gáy, hay việc tắm vào ban đêm… khiến cho quá trình cung cấp oxy đến các tế bào cơ bị giảm, gây thiếu máu cục bộ tại các cơ, cũng dẫn đến bệnh.
– Người thường nằm nghiêng, hoặc nằm co quắp khi cơ thể yếu khiến tốc độ hoạt động của hệ tuần hoàn giảm. Sự lưu thông máu cũng như trao đổi oxy đến vùng vai gáy giảm nên dễ dẫn đến tình trạng đau nhức khi mới ngủ dậy. Thông thường từ tuổi trung niên, các mạch máu giảm tính đàn hồi nên đối tượng này thường mắc chức đau cổ, vai gáy.
Triệu chứng bệnh đau vai gáy
– Đau dữ dội, âm ỉ ở vùng cổ và gáy. Đây là triệu chứng thường gặp và khiến bệnh nhân có cảm giác đau nhức rất khó chịu. Đôi khi người bệnh thấy đau nhói, có cảm giác như điện giật, vùng đau có thể lan đến thái dương, mang tai hoặc lan xuống cánh tay, vai. Ở một số trường hợp, người bệnh còn thấy co cứng và tê ở cánh tay, ngón tay, cẳng tay, nếu nặng hơn có thể bị teo cơ.
– Có thể bị đau khi ấn vào các gai sau hoặc cạnh cột sống cổ, kèm theo đó là tình trạng cột sống cổ bị hạn chế vận động. Mức độ đau có thể xuất hiện tự phát hoặc sau khi mệt mỏi, căng thẳng, lao động nặng hoặc bị nhiễm lạnh.
– Cơn đau tăng lên khi đứng, đi, hắt hơi, ho, ngồi lâu, vận động cột sống cổ, khi thay đổi thời tiết. Giảm đau khi được nghỉ ngơi.
Điều trị đau vai gáy
– Dùng thuốc
Khi bị đau vai gáy có thể dùng một số loại thuốc giảm đau, chống viêm non-steroid như diclofenac, ibuprofen, paracetamol, aspirin… Các thuốc này có tác dụng giúp giảm đau nhanh chóng và chống lại các phản ứng viêm hệ lụy đi sau.
Một số vitamin nhóm B như vitamin B1, B6, B12 có thể dùng vì nó làm tăng dẫn truyền thần kinh. Ở mức độ bệnh nặng hơn, người bệnh có thể được chỉ định dùng thuốc ức chế dẫn truyền thần kinh. Thuốc ức chế dẫn truyền thần kinh có tác dụng cắt tạm thời các cơn kích thích thần kinh mạnh, làm mềm cơ và do đó không gây đau dữ dội.
– Châm cứu
Châm cứu giúp điều hòa lại hoạt động của dây thần kinh. Chỉ cần châm cứu vào đúng các huyệt trên những vị trí chính xác có thể tạo ra hiệu ứng lan tỏa và làm giảm sự co thắt nên giảm đau.
– Xoa bóp
Nếu bị đau vai gáy ở mức độ nhẹ, không có nguyên nhân chèn ép gây tổn thương thì người bệnh sẽ được chỉ định dùng thuốc giảm đau và cao dán. Nếu chỉ bị nhẹ, cơn đau không kéo dài, bản thân người bệnh có thể tự điều trị bằng cách dùng hai bàn tay xoa bóp, gõ, vuốt cho vùng cổ, vai, gáy nhiều lần.
– Vận động nhẹ nhàng, chườm ấm vùng cổ gáy
Ngay khi mới bị bệnh không nên cố gắng xoay đầu hay xoay cổ. Cách tốt nhất là nên vận động xoay đầu cổ nhẹ nhàng. Hạn chế quay đầu, nghiêng đầu để cho bệnh có thể tự hồi. Không nên ngồi quạt điện hay ngồi điều hòa vì sẽ làm cơ co cứng và đau dữ dội hơn. Chườm ấm vùng cổ, chiếu đèn hồng ngoại, xoa bóp nhẹ nhàng vùng cơ vai gáy chừng 10-15 phút để làm tăng lượng máu lưu thông. Nên tắm bằng nước ấm…
– Dán salonpas để giảm đau
Miếng dán salonpas có chứa chất kháng viêm non-steroid dạng thấm qua da methyl salicylat. Các thuốc chống co thắt cơ quá mức có thể có tác dụng như thuốc mephenesin (decontractyl) cũng có thể giúp người đau vai gáy giảm đau phần nào.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương – Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh