Bệnh lý thoái hóa cột sống

Cột sống được cấu tạo từ nhiều thành phần giải phẫu khác nhau, do đó bệnh thoái hóa cột sống cũng có nhiều loại tổn thương khác nhau. Trên thực tế, những tổn thương được miêu tả sau đây thường phối hợp với nhau, tạo nên bệnh cảnh chung của thoái hóa cột sống :

 

THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM

Thoát vị đĩa đệm là hiện tượng di chuyển của nhân nhầy về phía ống sống hoặc lỗ ghép, qua một chỗ rách của vành xơ. Tuổi thường gặp từ 25-50, không phân biệt giới mà chủ yếu liên quan đến quá trình lao động sinh hoạt của bệnh nhân (làm việc mang vác nặng, tập thể thao quá mức, tư thế lao động sinh hoạt không đúng kéo
dài…).

Những người già lại ít gặp thoát vị đĩa đệm, hay nói cho đúng hơn là không thấy những triệu chứng chèn ép thần kinh của thoát vị đĩa đệm, do nhân nhầy đã thoái hóa xẹp lại nên không còn khả năng thoát vị nữa.

Phân loại thoát vị đĩa đệm :

Dựa theo vị trí của ổ thoát vị so với đường giữa trên ảnh cắt ngang : bao gồm có thoát vị trung tâm, thoát vị sau-bên (hình 1) và thoát vị bên (hình 2).

Dựa theo vị trí của ổ thoát vị so với dây chằng dọc sau cột sống : bao gồm có thoát vị dưới dây chằng và thoát vị xuyên dây chằng.

Dựa theo vị trí của ổ thoát vị so với đĩa đệm gốc trên ảnh tái tạo cột sống theo mặt phẳng đứng dọc giữa sagittal : bao gồm có thoát vị di trú lên trên hoặc xuống dưới, thoát vị di trú có mảnh tách rời.

image086 1

Hình 1: Thoát vị đĩa đệm trung tâm bên trái (mũi tên)

Về mặt kỹ thuật để xác định được thoát vị đĩa đệm, cần đặt các lớp cắt theo hướng song song với các đĩa đệm, độ dầy các lớp cắt nói chung không vượt quá 3mm và liên tiếp nhau. Nếu có hẹp khe liên đốt phải giảm độ dầy lớp cắt xuống 2mm và liên tiếp nhau. Trường hợp nghi ngờ có thoát vị di trú phải tái tạo ảnh theo mặt phẳng đứng dọc giữa.

image087

Dấu hiệu trực tiếp của thoát vị đĩa đệm là tổ chức nhân nhầy thoát vị qua chỗ rách của vành xơ, theo các hướng như đã nói ở phần phân loại thoát vị đĩa đệm.

Các dấu hiệu gián tiếp của thoát vị đĩa đệm bao gồm :

Lớp mỡ ngoài màng cứng thành trước ống sống bị xóa.

Chèn ép tủy hoặc rễ thần kinh.

Có hình khí trong đĩa đệm (tỷ trọng âm)

Khó khăn thường gặp phải khi chẩn đoán thoát vị đĩa đệm bằng chụp CT là không xác định được ranh giới của dây chằng dọc sau, vì thường là dây chằng này hòa lẫn với tổ chức thoát vị.

 

THOÁI HÓA CỦA CÁC KHỚP KHỐI BÊN

image089

Có nhiều loại tổn thương khối khớp bên, bao gồm :

Hẹp khe khớp (hình 3)

Đặc xương ở hai bờ khớp

Các ổ khuyết xương dưới sụn

Mỏ xương

 

HẸP ỐNG SỐNG

Hẹp ống sống trong thoái hóa cột sống thường là hẹp không đều trong cùng một đoạn cột sống và do nhiều nguyên nhân gây ra. Kết quả chung là thu hẹp đường kính và/hoặc biến dạng thiết diện của ống sống.

Có nhiều loại đường kính của ống sống, nhưng trong đó quan trọng nhất là đường kính trước-sau, được đo trên đường giữa từ bờ sau thân đốt sống đến bờ trước cung sau. Đường kính trước-sau của ống sống hay bị hẹp do thoát vị đĩa đệm trung tâm, phì đại dây chằng vàng. Trung bình, đường kính này vào khoảng 10mm cho cột sống cổ, 12-13mm cho cột sống thắt lưng.

 

VÔI HÓA DÂY CHẰNG

Phía trước cột sống (dây chằng dọc trước) tạo thành hình mỏ xương, cầu xương (hình 4).

image3342

Phía sau, thường gặp là dầy và vôi hóa dây chằng dọc sau trên một đoạn dài vài đốt sống, làm hẹp đường kính trước-sau của ống sống, cá biệt gây chèn ép tủy. Trên hình ảnh CT cột sống, hình dầy và vôi hóa dây chằng dọc thường không đều, có tỷ trọng giống như xương và ở vị trí của dây chằng. Ngoài ra còn có thể thấy vôi hóa dây chằng vàng, thường dẫn đến hẹp ống sống và chèn ép các rễ thần kinh (hình 5).

 

TRƯỢT ĐỐT SỐNG THOÁI HÓA

Thường gặp ở người già, do sự thoái hóa của các khớp khối bên dẫn đến sự biến dạng các mỏm mấu khớp kết hợp đồng thời với sự thoái hóa các đĩa đệm, làm cho các đốt sống dễ trượt đi hơn. Hậu quả là đường kính trước-sau của ống sống không bị hẹp thậm chí còn rộng hơn bình thường nhưng ngách bên (reccesus lateralis) thường bị hẹp gây chèn ép các rễ thần kinh, mặc dù mức độ trượt đốt sống không nhiều.

Những trường hợp trượt đốt sống do tổn thương eo sống của các đốt sống thường gặp ở người trẻ hơn, mức độ trượt cũng nặng hơn ở người già (hình 6).

image092

Hình 6. Trượt đốt sống do tổn thương các eo sống hai bên (1), làm đĩa đệm tiến sát ra phía sau (2) và hình tái tạo theo mặt phẳng đứng dọc sagittal (3)

 

BIẾN ĐỔI TƯ THẾ CỘT SỐNG

Thường gặp nhất là giảm độ cong, tiếp đến là gù vẹo cột sống. Nguyên nhân là do sự lỏng lẻo của các hệ thống dây chằng, trượt đốt sống, biến dạng xẹp không đều các thân đốt sống… dẫn đến mất một phần hoặc toàn bộ đường cong sinh lý của cột sống.

Trên hình ảnh CT cột sống chỉ có thể xác định được biến đổi tư thế cột sống dựa vào các ảnh tái tạo theo mặt phẳng đứng dọc giữa sagittal hoặc theo mặt phẳng đứng ngang coronal (để xem vẹo cột sống).

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương – Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *