1. Bệnh lý viêm khớp do liên cầu khuẩn và nguồn cơn gây bệnh
Một số thông tin giúp mọi người hiểu về căn bệnh viêm khớp do khuẩn liên cầu gây nên.
1.1. Lý giải tường tận về viêm khớp liên cầu
Vi khuẩn liên cầu (hay Streptococcus) là loại vi khuẩn tồn tại sẵn trên da và niêm mạc cơ thể người. Ở trạng thái khỏe mạnh, chúng không gây hại cho cơ thể. Tuy nhiên khi sức đề kháng bị giảm sút, bằng nhiều cách liên cầu khuẩn xâm nhập vào bên trong. Tại đây chúng kết hợp với các loại khuẩn khác như tụ cầu vàng, phế cầu, trực khuẩn mủ xanh,… tấn công các khớp gây tổn thương và viêm nhiễm khớp. Từ đó căn bệnh viêm khớp xuất hiện.
Viêm nhiễm khớp liên cầu có thể xuất hiện ở mọi cơ quan trong cơ thể. Bệnh phát triển nhanh. Nếu không được phát hiện và chữa sớm có thể gây những biến chứng nghiêm trọng như:
– Tổn thương sụn khớp: Dễ dàng dẫn tới viêm đa khớp, cản trở sinh hoạt và sức khỏe bệnh nhân
– Tổn thương tim, phổi: Vi khuẩn xâm nhập gây tổn thương tim, phổi cùng hạn chế chức năng hoạt động
– Tổn thương các tạng: Qua đường máu, vi khuẩn có thể đi vào các cơ quan bên trong, gây nhiễm khuẩn, nhiễm trùng
1.2. Nguyên nhân nào gây nên viêm khớp liên cầu
Tác nhân trực tiếp gây bệnh là do liên cầu khuẩn xâm nhập và tấn công khi cơ thể suy yếu, tổn thương. Bệnh cũng có nguy cơ mắc tăng cao nếu có các yếu tố sau:
– Xương khớp người bệnh bị chấn thương kéo dài hay bao khớp bị rách, hở
– Người bệnh có tiền sử bị viêm gân, viêm cơ, viêm đường tiết niệu, mụn nhọt…
– Người bệnh trong quá trình làm thủ thuật liên quan tới khớp không được đảm bảo quy cách và vô trùng như chọc dò dịch khớp, tiêm khớp…
– Người bệnh bị viêm nhiễm khớp do viêm phổi, viêm đa cơ
– Người có sức đề kháng yếu như người cao tuổi, phụ nữ có thai, trẻ nhỏ,…
– Người có tiền sử mắc các bệnh thoái hóa, xương khớp
2. Biểu hiện của bệnh viêm khớp do vi khuẩn liên cầu
Với bản chất khởi phát bất ngờ cùng diễn biến nhanh chóng, viêm khớp do khuẩn liên cầu mang đa dạng các biểu hiện và có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể.
2.1. Diễn biến triệu chứng
Ban đầu, bệnh nhân sẽ có những biểu hiện tại chỗ như khớp sưng đỏ, nóng rát. Vùng da xung quanh cũng nóng dần lên. Càng về lâu dài, cơn đau sẽ tăng dần, đặc biệt khi bệnh nhân đi lại, cử động. Việc di chuyển gặp khó khăn bởi cơ đã co cứng và tràn dịch mủ ở khớp.
Bên cạnh những dấu hiệu ở khớp, bệnh nhân cũng gặp cơn sốt cao, cơ thể mệt mỏi, đau nhức, ớn lạnh. Hơi thở người bệnh có mùi, môi khô nứt và lưỡi có vệt bẩn.
Một số triệu chứng hiếm gặp có thể là nổi hạch, viêm quầng da quanh khớp đau.
Khi thấy các bất thường trên, người bệnh cần tới ngay cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán bệnh.
2.2. Chẩn đoán
Một số phương pháp thường được dùng để kiểm tra là:
Thăm khám lâm sàng
Bệnh nhân sẽ cung cấp các thông tin về thực trạng kèm tiền sử bệnh lý. Đây là dữ liệu quan trọng giúp bác sĩ bước đầu chẩn đoán.
Xét nghiệm
Có 3 loại xét nghiệm phổ biến nhằm phát hiện sự tồn tại của vi khuẩn liên cầu:
– Xét nghiệm máu: Mục đích là kiểm tra tốc độ lắng máu cũng như sự tiến triển của bệnh
– Cấy máu: Bác sĩ sẽ tiến hành lấy mẫu máu của người bệnh, nuôi cấy vi khuẩn trong đó. Nhờ đó chuyên gia xác định được chủng vi khuẩn gây nên bệnh
– Xét nghiệm dịch khớp: Thông qua chọc ổ khớp để thu mẫu dịch xét nghiệm, tìm kiếm mủ khớp
Chẩn đoán hình ảnh
3. Định hướng điều trị bệnh viêm khớp liên cầu
Hiện nay, có khá nhiều phương pháp điều trị bệnh viêm khớp do liên cầu nói riêng, bệnh lý xương khớp nói chung. Tùy theo mức độ bệnh cùng các đặc điểm thể trạng bệnh nhân mà được áp dụng cho phù hợp.
Trước hết, bệnh nhân viêm nhiễm khớp liên cầu được tiêm thuốc kháng sinh để xử lý vi khuẩn liên cầu. Kèm theo đó, bệnh nhân sử dụng các thuốc giảm triệu chứng như chống viêm, giảm đau,… Song song với dùng thuốc, người bệnh được chỉ định một số biện pháp điều trị như:
– Dẫn lưu: Thực hiện khi khớp mưng mủ và tràn dịch. Phương pháp này nhằm làm giảm thiểu lượng dịch và mủ bị ứ, giải quyết tình trạng phù nề, đau nhức xương khớp.
– Nội soi vệ sinh khớp: Trường hợp dịch mủ khiến quá trình dẫn lưu khớp bị cản trở, bác sĩ sẽ tiến hành rửa khớp bằng nội soi, loại bỏ mủ và vi khuẩn.
Nếu bệnh lý ở giai đoạn sau, các mô mềm, mô sụn bị thương tổn thì bệnh nhân sẽ được chỉ định phẫu thuật để loại bỏ hết ổ mủ và dịch, vùng viêm nhiễm.
Dù là biện pháp điều trị nào, bệnh nhân cũng cần tuân thủ nghiêm túc theo phác đồ của bác sĩ để kết quả đạt hiệu quả và an toàn nhất.
Chốt lại, căn bệnh viêm khớp do khuẩn liên cầu gây nên, tuy không phổ biến nhưng chúng ta luôn cần đề phòng và chủ động xử lý khi còn sớm, phòng trừ hậu quả nghiêm trọng xảy ra.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương – Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh