Thoái hóa khớp gối là tình trạng thường gặp ở người cao tuổi. Nó không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn gây khó khăn cho người bệnh trong vận động, sinh hoạt. Nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời sẽ dẫn tới nhiều biến chứng vô cùng nguy hiểm. Dưới đây là những dấu hiệu thoái hóa khớp gối qua từng giai đoạn giúp bạn nhận biết, nghi ngờ để có thể đi kiểm tra sớm, bảo vệ sức khỏe của mình.
1. Thoái hóa khớp gối do đâu?
Thoái hóa khớp gối là hậu quả của quá trình sinh học và cơ học làm mất đi lớp đệm tự nhiên là sụn và xương dưới sụn, sụn thoái hóa khiến cho xương cọ xát vào nhau làm xơ hóa xương dưới sụn, tạo gai xương và hốc xương dưới sụn gây sưng đau, cứng khớp.
Bên cạnh đó, khớp gối cũng là cơ quan vận động nhiều nhất, là nơi chịu áp lực mạnh nhất khi trọng lượng cơ thể tăng lên. Theo thời gian, nếu không được bảo vệ, sụn và xương dưới sụn bị bào mòn dẫn đến thoái hóa khớp gối.
Một số nguyên nhân gây nên thoái hóa khớp gối đó là:
– Tuổi tác cao, thường bắt đầu từ 50 tuổi trở lên.
– Béo phì, thừa cân.
– Thường xuyên ngồi hoặc đứng quá lâu, không vận động.
– Chấn thương khớp gối nhưng không được điều trị dứt điểm.
– Bê vác vật nặng.
2. Dấu hiệu thoái hóa khớp gối phổ biến ở 3 giai đoạn
2.1. Dấu hiệu thoái hóa khớp gối ở giai đoạn khởi phát
Dấu hiệu thoái hóa tại khớp gối ban đầu thường ở mức độ nhẹ nên dễ bị chủ quan. Chính tâm lý này khiến cho người bệnh bỏ qua thời điểm “vàng” để điều trị và phòng ngừa bệnh tiến triển.
Ở giai đoạn bệnh mới khởi phát, người bệnh sẽ gặp phải các triệu chứng như:
– Cảm giác đau thoáng qua, đau mơ hồ ở khớp gối.
– Đau nhức mỗi khi đi lại.
– Đau nhức vào thời điểm sáng sớm, nhất là khi mới ngủ dậy.
– Các cơn đau chỉ diễn ra trong chốc lát và tự hết.
2.2. Dấu hiệu thoái hóa khớp gối ở giai đoạn tiến triển
Khi tình trạng đau nhức ban đầu bị bỏ qua thì sau một thời gian các triệu chứng trở nên rõ ràng và nặng hơn. Lúc này khớp gối bị tổn thương nặng hơn và dịch khớp cũng bị khô nhiều hơn. Người bệnh sẽ đối mặt với các biểu hiện như:
– Tình trạng đau khớp gối liên tục, không thuyên giảm hay tự hết.
– Khi vận động khớp gối thì mức độ đau nghiêm trọng hơn, đặc biệt là khi ngồi, đứng, đi lại lên – xuống cầu thang.
– Nghe thấy âm thanh lạo xạo trong khớp mỗi khi cử động.
– Để giảm đau thì phải sử dụng thuốc kháng viêm.
2.3. Giai đoạn tổn thương nặng sẽ có dấu hiệu gì?
Giai đoạn này là giai đoạn bộc lộ nhiều dấu hiệu thoái hóa khớp gối rõ rệt nhất. Đồng thời, các triệu chứng cũng gây khó chịu cho người bệnh và giảm chất lượng cuộc sống.
– Cảm giác rất đau nhức, khó chịu kể cả lúc nằm.
– Khó khăn khi đi lại bình thường, khi đứng lên ngồi xuống, thậm chí có thể bị ngã do không đứng vững.
– Tần suất các cơn đau xuất hiện nhiều lần.
– Sưng ở vùng đầu gối.
– Khớp bị biến dạng. Vì khớp gối bị tổn thương trong thời gian dài sẽ dẫn tới sưng to và biến dạng hoặc lệch trục khớp.
3. Các phương pháp chẩn đoán thoái hóa khớp gối hiện nay
Nếu bạn có bất kỳ nghi ngờ dấu hiệu thoái hóa khớp gối, người bệnh cần đến bệnh viện sớm để kiểm tra . Qua thăm khám bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán chính xác nhất về tình trạng mà người bệnh đang gặp phải.
Hiện nay, để chẩn đoán thoái hóa khớp gối thì người bệnh sẽ phải thực hiện một số phương pháp thăm khám sau:
– Chụp X-quang: những hình ảnh chụp được từ X-quang cho thấy thoái hóa khớp đang ở giai đoạn nào. Mỗi giai đoạn sẽ có những biểu hiện rõ ràng: Giai đoạn 1 xuất hiện gai xương nhỏ; Giai đoạn 2: thấy rõ gai xương khớp; Gai đoạn 3: khe khớp bị hẹp vừa; Giai đoạn 4: khe khớp bị hẹp nhiều và xương dưới sụn bị vỡ.
– Siêu âm khớp: Hình ảnh siêu âm sẽ cho biết tình trạng sụn khớp gối đang gặp phải: tràng màng dịch khớp, màng dịch khớp đang ở tình trạng nào, những mảnh vụn thoái hóa khớp…
– Chụp MRI: Với phương pháp cộng hưởng từ sẽ cho bác sĩ thấy được những tổn thương ở màng hoạt dịch, sụn khớp và dây chằng.
– Biến dạng khớp.
– Teo cơ .
– Bại liệt.
Do đó, để phòng ngừa thoái hóa khớp hiệu quả, người bệnh cần lưu ý một số điều sau:
– Kiểm soát cân nặng, duy trì ở trọng lượng vừa phải.
– Kiểm soát lượng đường vừa phải có trong máu.
– Không cố gắng bê vác vật nặng, quá sức của mình.
– Có chế độ tập luyện phù hợp, vừa phải .
– Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, bổ sung nhiều thực phẩm canxi, khoáng chất, vitamin D,…
– Tránh các thực phẩm giàu chất béo, hạn chế/bỏ rượu bia, thuốc lá,…
Có thể thấy, dấu hiệu thoái hóa khớp gối sẽ trở nên rõ rệt hơn theo thời gian, khi bệnh tiến triển nặng. Do đó, cần có sự chủ động quan tâm và nghi ngờ các triệu chứng dù là nhẹ nhất. Việc thăm khám và phát hiện kịp thời sẽ mang lại hiệu quả điều trị cao cũng như ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương – Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh