Đau thần kinh tọa được xếp vào bệnh lý xương khớp phổ biến thứ 2 sau viêm khớp dạng thấp. Bệnh gây ra đau nhức, khó chịu cho người bệnh và làm giảm chất lượng cuộc sống. Nếu bệnh không được điều trị kịp thời sẽ dẫn tới 4 biến chứng nguy hiểm sau.
1. Triệu chứng và nguyên nhân bệnh lý
1.1. Triệu chứng đau thần kinh tọa
Dây thần kinh tọa là dây thần kinh dài nhất và có vai trò quan trọng trong cơ thể. Bắt đầu từ cuối cột sống, chạy qua hông và mông, sau đó phân nhánh ở mỗi bên chân, kéo dài tới tận ngón chân. Khi dây thần kinh này bị tổn thương sẽ gây ra những cơn đau lan dọc từ thắt lưng tới cẳng chân và ngón chân. Tùy vào mỗi trường hợp, có thể là những cơn đau nhói , đau dữ dội hoặc đau như bị điện giật, châm chích vô cùng khó chịu.
Khi gặp phải một số triệu chứng dưới đây, người bệnh nên tới gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Cụ thể:
– Đau nhức tê tái dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa. Cơn đau nghiêm trọng hơn sau một chấn thương bất kỳ.
– Đau vùng cột sống thắt lưng: cơn đau dữ dội hoặc âm ỉ từ mông ra phía sau chân. Mức độ đau nặng hơn khi cúi, gập người.
– Tê ngứa hoặc yếu cơ ở chân, bàn chân khiến cho người bệnh gặp khó khăn mỗi khi di chuyển.
– Khó khăn trong kiểm soát ruột và bàng quang.
1.2. Nguyên nhân gây đau thần kinh tọa
Tình trạng đau thần kinh tọa xảy ra do phần lớn bị thoát vị đĩa đệm – được đánh giá là một trong những nguyên nhân chính. Đặc biệt, trường hợp thoát vị đĩa đệm tại vị trí L5S1 và L4L5 sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Lý giải điều này là bởi nhân nhầy đĩa đệm cột sống thoát ra khỏi vị trí bình thường và chèn ép vào dây thần kinh tọa, gây nên tổn thương.
Ngoài ra, một số nguyên nhân, yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh khác đó là:
– Trượt đốt sống, hẹp ống sống, viêm đĩa đệm cột sống hoặc thoái hóa cột sống thắt lưng. Tuy nhiên, nguy cơ dẫn tới đau dây thần kinh tọa không cao.
– Không điều trị dứt điểm các chấn thương từ vùng lưng trở xuống
– Sai tư thế trong vận động, sinh hoạt thường ngày: thói quen ngồi nhiều, đứng nhiều, đi giày cao gót lâu ở phụ nữ,…là yếu tố dẫn tới thoát vị đĩa đệm. Về lâu dài gây ảnh hưởng tới dây thần kinh tọa ít nhiều.
– Do tuổi tác: người càng cao tuổi thì càng bị dễ thoái hóa cột sống. Từ đó gây ảnh hưởng trực tiếp tới dây thần kinh tọa.
– Do thừa cân, béo phì: cân nặng không được kiểm soát sẽ tác động trực tiếp tới cột sống. Khi cột sống bị tổn thương thì kéo theo rất nhiều vấn đề nguy hiểm, trong đó có chứng đau dây thần kinh tọa.
– Do làm nghề phải khuân vác các vật nặng, nghề lái xe đường dài,…
– Người bị đái tháo đường dễ gặp các triệu chứng đau dây thần kinh tọa hơn so với người bình thường.
2. Biến chứng nguy hiểm nếu không phát hiện và điều trị kịp thời
2.1. Cứng cột sống
Biến chứng này thường đi kèm với các cơn co thắt cơ bắp hoặc mất lực hoàn toàn ở chi dưới. Hiện tượng cứng cột sống xuất hiện phổ biến nhất là vào buổi sáng sau khi thức dây. Người bệnh có cảm giác cột sống bị đau, cứng khi nghiêng người hoặc di chuyển, gặp khó khăn trong sinh hoạt thường ngày.
Lúc này, dáng đi bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Từ đó làm giảm chất lượng cuộc sống, ảnh hưởng tới tinh thần của người bệnh.
2.2. Teo cơ vận động
Vì đau thần kinh tọa gây đau nhức khó chịu từ lưng xuống bàn chân của người bệnh nên sẽ cản trở ít nhiều trong quá trình vận động. Theo tâm lý, người bệnh hạn chế cảm giác đau bằng cách ít vận động hơn. Để lâu, phần bên chân có dây thần kinh tọa bị tổn thương sẽ gặp tình trạng teo rút, mất dần chức năng. Do đó, hành động đơn giản như đi lại cũng khó mà thực hiện được.
2.3. Đại, tiểu tiện mất kiểm soát
Đây là một biến chứng mà người bệnh không kiểm soát được việc tiểu tiện/đại tiện làm cho nước tiểu và phân thoát ra ngoài ý muốn. Biến chứng này ảnh hưởng tiêu cực rất nhiều tới cuộc sống của người bệnh.
Hơn nữa, người bệnh sẽ gặp phải nhiều bất ổn về tâm lý như: sợ hãi, tự ti, lo lắng và dễ cáu gắt. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ kéo theo rất nhiều vấn đề cả sức khỏe lẫn tinh thần.
2.4. Bại liệt chi dưới
Tình trạng đau dây thần kinh tọa tiến triển nặng có thể sẽ gây bại liệt chi dưới. Đây là biến chứng nguy hiểm nhất không thể chủ quan. Nếu bị bại liệt, người bệnh phải phụ thuộc hoàn toàn vào những người xung quanh trong sinh hoạt thường ngày.
3. Phương pháp điều trị
Với các trường hợp đau thần kinh tọa nặng – nhẹ khác nhau sẽ có phương pháp điều trị khác nhau. Nếu thuộc trường hợp nhẹ, phát hiện sớm, người bệnh có thể tự chăm sóc tại nhà bằng cách:
– Chườm mát lên khu vực bị đau nhức, mỗi lần chườm kéo dài khoảng 20 phút.
– Chườm nóng, có thể chườm nóng – mát xen kẽ lẫn nhau.
– Thực hiện các bài tập giãn cơ.
– Thuốc giảm đau.
– Thuốc giãn cơ.
– Thuốc kháng viêm không chứa Steroid.
Bên cạnh đó, nếu các cơn đau cấp tính được cải thiện thì người bệnh cũng nên tham gia chương trình vật lý trị liệu. Bằng cách này sẽ giúp người bệnh nắn chỉnh cột sống, giúp các cơ vận động được linh hoạt và ngăn ngừa tổn thương tái phát trong tương lai.
Đối với trường hợp nặng, dây thần kinh tọa bị chèn ép nhiều thì bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật. Một số phương pháp phẫu thuật được áp dụng trong điều trị bao gồm:
– Phẫu thuật lấy nhân đĩa đệm.
– Phẫu thuật cắt cung sau đốt sống.
4. Nên phòng ngừa như thế nào?
Chủ động phòng ngừa, ngăn biến chứng nguy hiểm do đau thần kinh tọa gây ra bằng cách:
– Tăng cường thể dục thể thao, duy trì thực hiện mỗi ngày. Không nên thực hiện các bài tập khó, quá sức với cơ thể.
– Chú ý tới tư thế mỗi khi đứng, ngồi hay thực hiện một chuyển động nào đó.
– Hạn chế khuân vác vật nặng
Trên đây là 4 biến chứng nguy hiểm do đau thần kinh tọa gây nên. Người bệnh khi mắc phải các triệu chứng được kể trên cần tới thăm khám ngay với bác sĩ. Việc phát hiện và điều trị sớm sẽ tăng tỷ lệ điều trị khỏi bệnh và ngăn cho các biến chứng nguy hiểm không tìm đến.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương – Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh