Theo các bác sĩ, bệnh viêm khớp thiếu niên gây tổn thương ở nhiều vị trí khác nhau và có thể dẫn đến những biến chứng xấu, ảnh hưởng đến sinh hoạt và học tập của trẻ. Do đó, việc điều trị viêm khớp thiếu niên cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa như: Thấp khớp học, nhi khoa, phục hồi chức năng, tâm lý, sự chăm sóc của gia đình… và sự hỗ trợ của nhà trường.
Mục đích của điều trị viêm khớp thiếu niên là kiểm soát tiến triển của bệnh càng sớm càng tốt, hạn chế đến mức tối đa những thương tổn gây phá hủy và biến dạng khớp, tối ưu hóa các vận động khớp nhằm đạt tới chức năng khớp bình thường cho bệnh nhân. Điều trị bệnh bao gồm các biện pháp dùng thuốc, không dùng thuốc và các biện pháp điều trị ngoại khoa khác.
Các biện pháp dùng thuốc
Điều trị viêm khớp thiếu niên dùng thuốc thường bao gồm 3 nhóm thuốc chính: Thuốc giảm đau thông thường, thuốc chống viêm giảm đau và các thuốc điều trị cơ bản tác động vào hệ thống miễn dịch của cơ thể nhằm làm giảm, khống chế quá trình viêm khớp.
Các biện pháp không dùng thuốc
Bao gồm: Vật lý trị liệu nhằm duy trì đến mức tối đa tầm vận động của khớp, tránh cứng khớp, dính khớp. Có thể dùng các biện pháp như sóng ngắn, tia hồng ngoại, tắm suối khoáng, tập các bài tập phục hồi chức năng vận động khớp…
Bên cạnh đó, cần cố gắng duy trì các sinh hoạt thường ngày của trẻ, cho trẻ nghỉ ngơi, chế độ dinh dưỡng tốt và đặc biệt có giấc ngủ đầy đủ.
Các biện pháp điều trị ngoại khoa
Các biện pháp điều trị ngoại khoa như nội soi khớp, rửa khớp, cắt bỏ màng hoạt dịch được chỉ định trong những trường hợp viêm khớp kéo dài, không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác đặc biệt là những khớp trung bình và lớn như khớp gối, khớp vai. Thay khớp một phần hay toàn bộ nhằm giảm đau, gỡ dính khớp tránh tình trạng bất động kéo dài do khớp bị tổn thương nặng.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương – Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh