Hội chứng ống cổ tay còn có tên gọi là hội chứng đường hầm cổ tay gây nên bởi sự kích thích chèn ép cơ học của một dây thần kinh ngoại biên khi dây này đi qua khe giải phẫu hẹp. Hội chứng gây cảm giác đau, tê bì tay, cánh tay gây ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc.
1. Hội chứng ống cổ tay là gì?
Hội chứng ống cổ tay (còn gọi là hội chứng đường hầm cổ tay) là hậu quả của một kích thích hoặc sự chèn ép cơ học một dây thần kinh ngoại biên khi dây này đi qua khe giải phẫu hẹp. Ống cổ tay là khe có cấu trúc gân và dây chằng không đàn hồi, dài từ 2.5-3cm nằm trong rãnh xương, phía trên được che phủ bởi dây chằng ngang (còn gọi là dây chằng vòng cổ tay).
Cấu tạo ống cổ tay gồm dây thần kinh giữa, các gân cơ gấp nông và sâu của các ngón tay. Dây thần kinh giữa là dây chính bắt nguồn từ rễ thần kinh ở tủy cổ đi xuống cánh tay và cẳng tay, chui qua đường hầm cổ tay (ống cổ tay) và đi vào bàn tay.
Vì toàn bộ cấu trúc này có mật độ chắc, không đàn hồi, đường hầm ống cổ tay lại hẹp, trong khi thần kinh giữa lại nằm nông nhất nên rất dễ bị tổn thương do chèn ép.
Chức năng của thần kinh giữa là vận động các cơ xung quanh gốc ngón tay cái, chi phối cảm giác ở ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và ngón nhẫn.
Hội chứng ống cổ tay gây cảm giác đau, tê bì tay, cánh tay gây ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc
2. Nguyên nhân gây hội chứng ống cổ tay
Nguyên nhân gây ra hội chứng này là sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau, có thể kể đến các nguyên nhân chính và phổ biến như sau:
Các chấn thương vùng cổ tay và bàn tay: gãy xương, trật khớp…: Đây cũng là nguyên nhân có thể gây nên hội chứng ống cổ tay. Những vấn đề gặp phải này có thể làm thay đổi không gian trong ống cổ tay và do đó sẽ gây áp lực lên dây thần kinh.
Bệnh nghề nghiệp có liên quan đến các hoạt động chủ yếu ở cổ tay và ngón tay: lái xe, đánh đàn, đánh máy văn phòng, thợ thủ công…: Những người làm các công việc đặc thù này thường phải sử dụng tay nhiều lặp đi lặp lại 1 hành động của cổ tay và bàn tay trong thời gian dài có thể gây tổn thương và tạo áp lực lên dây thần kinh gây ra hội chứng này.
Một số bệnh lý về khớp như VKDT, viêm gân, viêm dây chằng: Người bị mắc các bệnh lý này cũng có nguy cơ cao gặp phải hội chứng này.
Có thể gặp ở phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ hoặc tuổi mãn kinh: Đây là những nhóm đối tượng có nguy cơ gặp phải hội chứng ống cổ tay cao hơn so với những người khác.
Người làm việc văn phòng dễ bị hội chứng ống cổ tay
3. Dấu hiệu lâm sàng và chẩn đoán
3.1. Dấu hiệu nhận biết
Việc nhận biết các dấu hiệu của hội chứng rất quan trọng giúp kịp thời kiểm tra chẩn đoán và điều trị ngăn ngừa những ảnh hưởng, nguy cơ không tốt với sức khỏe. Các dấu hiệu lâm sàng của hội chứng ống cổ tay cần chú ý có thể kể đến như sau:
Loạn cảm và đau các đầu ngón tay một cách không rõ ràng, mơ hồ như không có thật. Cơn đau có thể lan lên cẳng tay, cánh tay, lên vai. Cảm giác đau tăng lên vào ban đêm. Đây cũng là dấu hiệu điển hình để nhận biết bệnh.
Trường hợp rõ rệt hơn là người bệnh sẽ bị rối loạn cảm giác (cụ thể là mất hoặc giảm cảm giác nông ở ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa, biểu hiện rõ rệt nhất là ở ngón trỏ), chuột rút, hạn chế các động tác chủ động của bàn tay và ngón tay như cầm, nắm hoặc gấp duỗi. Lúc này người bệnh sẽ thấy tay yếu, gặp khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động bình thường như sử dụng điện thoại, lái xe, cài cúc quần áo…
Nếu tình trạng này kéo dài, sự chèn ép lâu ngày có thể xuất hiện liệt và teo cơ dạng ngón cái hoặc các ngón chịu sự chi phối của thần kinh giữa.
3.2. Chẩn đoán hội chứng ống cổ tay
Đa số các trường hợp gặp phải hội chứng này các dấu hiệu sẽ xuất hiện từ từ, lúc đầu ít rõ rệt, có thể thoáng qua nên chưa nhận biết được. Khi tình trạng tiến triển nặng các triệu chứng mới xuất hiện rõ rệt và nhiều hơn tuy nhiên lúc này sự chèn ép đã trở nên nghiêm trọng ảnh hưởng nhiều đến chức năng.
Để chẩn đoán hội chứng này một cách chính xác các bác sĩ sẽ sử dụng một số phương pháp như sau:
Điện cơ: Đây là phương pháp có giá trị chẩn đoán xác định tình trạng giảm hoặc nghẽn tốc độ dẫn truyền thần kinh cơ.
Có thể sử dụng các xét nghiệm sinh hóa và huyết học tuy nhiên các xét nghiệm này chỉ có giá trị chẩn đoán nguyên nhân bệnh.
4. Các phương pháp điều trị hội chứng ống cổ tay
Việc điều trị hội chứng này cần được thực hiện sớm và kịp thời để ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và cuộc sống.
Trong việc điều trị hội chứng ống cổ tay thì các thuốc chống viêm, giảm đau có thể sử dụng nhưng ít tác dụng.
Có thể sử dụng biện pháp tiêm phong bế thần kinh giữa đoạn cổ tay cho hiệu quả tốt, tuy nhiên sau điều trị bệnh vẫn dễ tái phát.
Phẫu thuật giải phóng thần kinh giữa: Đây là phẫu thuật được thực hiện nhằm điều trị hội chứng ống cổ tay một cách tối ưu nhất nhằm xử lý tận gốc các vấn đề do hội chứng ống cổ tay gây ra. Đồng thời phẫu thuật cũng nhằm bảo tồn chức năng của dây thần kinh giữa.
Ngoài việc điều trị bằng các phương pháp cụ thể thì người bệnh cần tránh các hoạt động cổ tay nhiều và lặp đi lặp lại và có thể sử dụng nẹp cổ tay cho những người phải cử động cổ tay nhiều do đặc thù nghề nghiệp.
Cần điều trị hội chứng ống cổ tay kịp thời tránh ảnh hưởng đến cuộc sống
Kết luận
Hội chứng ống cổ tay là vấn đề thường gặp nhất liên quan đến nghề nghiệp. Những người thường xuyên thực hiện lặp đi lặp lại các hoạt động sử dụng cổ tay như dân văn phòng, lái xe, thợ thủ công… có nguy cơ cao mắc phải hội chứng này. Hội chứng tuy không quá nguy hiểm nhưng gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống và công việc vì vậy cần hiểu rõ và nhận biết các triệu chứng kịp thời để chẩn đoán và điều trị bệnh. Do đó nếu thấy các triệu chứng điển hình hoặc nghi ngờ thì cần đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và điều trị.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương – Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh