Hội chứng ống cổ tay gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hàng ngày. Đau, tê bì bàn tay khiến công việc gián đoạn. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ như hiện nay, bệnh lý này ngày càng phổ biến. Bài viết cung cấp thông tin chi tiết về nguyên nhân, triệu chứng cũng như cách điều trị hiệu quả.
Hội chứng ống cổ tay là gì?
Hội chứng ống cổ tay (Carpal Tunnel Syndrome) là một rối loạn do dây thần kinh giữa bị chèn ép khi đi qua ống cổ tay. Khi bị chèn ép, dây thần kinh không thể truyền tín hiệu bình thường từ tay về não.Người bệnh khi này sẽ gặp tình trạng tê buốt, châm chích, đau nhức hoặc yếu bàn tay. Các triệu chứng thường xuất hiện về đêm, lan dần lên cẳng tay, thậm chí vai.
Thống kê tại Hoa Kỳ cho thấy khoảng 5% dân số gặp vấn đề liên quan đến hội chứng ống cổ tay mỗi năm. Ở nhóm nghề nghiệp nguy cơ cao, tỷ lệ này tăng lên gấp 10 lần. Ở Việt Nam tuy chưa có nghiên cứu diện rộng nhưng thực tế số ca chẩn đoán đang ngày càng nhiều tại môi trường văn phòng.
Hội chứng ống cổ tay không đe dọa tính mạng nhưng ảnh hưởng sâu đến chất lượng cuộc sống. Hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng và chủ động phòng ngừa là chìa khóa giúp người lao động bảo vệ đôi tay và khả năng làm việc của chính mình.

Nguyên nhân gây hội chứng ống cổ tay
Dưới đây là các nguyên nhân chính gây ra hội chứng ống cổ tay được ghi nhận:
- Di truyền: Một số người bẩm sinh có ống cổ tay nhỏ hẹp, dễ chèn ép dây thần kinh giữa hơn bình thường.
- Giới tính: Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp ba lần nam giới do cấu trúc ống cổ tay nhỏ hơn.
- Chuyển động lặp lại: Làm việc liên tục với các thao tác như đánh máy, dùng chuột, bóc vỏ, vắt sữa hoặc thao tác kỹ thuật khiến gân cổ tay dễ bị viêm gây áp lực lên dây thần kinh giữa.
- Tư thế không đúng: Duy trì tư thế gập hoặc duỗi cổ tay quá mức trong thời gian dài làm tăng áp lực nội ống.
- Thay đổi nội tiết: Trong thai kỳ, sự giữ nước và thay đổi hormone khiến mô mềm sưng nề.
- Bệnh lý nền: Các bệnh như béo phì, tiểu đường, viêm khớp dạng thấp, suy giáp, suy thận hoặc rối loạn chuyển hóa làm giảm lưu thông máu và ảnh hưởng đến hoạt động thần kinh.
- Chấn thương cổ tay: Gãy xương, bong gân, viêm khớp hoặc trật khớp gây thay đổi cấu trúc giải phẫu, làm thu hẹp không gian trong ống cổ tay.
Hội chứng ống cổ tay có triệu chứng gì?
Nếu bạn đột nhiên cảm thấy tay tê rần, châm chích hoặc yếu đi mà tình trạng cứ ngày một nặng rất có thể bạn đang gặp phải hội chứng ống cổ tay. Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây tê và đau tay, đặc biệt ở người làm việc với máy tính, công việc lặp đi lặp lại hoặc cử động tay liên tục.
Triệu chứng điển hình là cảm giác tê, ngứa ran hoặc nóng rát ở ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và đôi khi lan sang một phần ngón đeo nhẫn. Đôi lúc, bạn sẽ thấy như các ngón tay bị sưng phồng lên, dù nhìn bên ngoài không có gì bất thường. Những cơn đau này có thể bắt đầu từ lòng bàn tay rồi lan lên cẳng tay, thậm chí là tới vai.
Khi bệnh tiến triển nặng, bạn có thể bắt đầu cảm thấy bàn tay yếu dần, khó điều khiển. Việc cầm nắm đồ vật trở nên khó khăn, hay đánh rơi điện thoại, cốc nước, thậm chí là không thể tự cài nút áo. Nhiều người thấy rõ mình ngày càng vụng về khi làm những việc nhỏ như gõ bàn phím, lật trang sách hay bấm điều khiển.
Cảm giác mất kiểm soát tay thường xảy ra khi dây thần kinh giữa bị chèn ép quá lâu mà không được can thiệp. Một số người còn gặp phải chuột rút, đau cơ ở bàn tay hoặc cổ tay, đặc biệt vào ban đêm.
Nếu bạn đã và đang trải qua những dấu hiệu này thì đừng xem nhẹ. Việc chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giúp ngăn ngừa tổn thương thần kinh nặng hơn và phục hồi chức năng tay hiệu quả hơn.

Đối tượng mắc phải hội chứng ống cổ tay là ai?
Nhiều bệnh nhân chỉ phát hiện dấu hiệu hội chứng ống cổ tay khi thực hiện công việc hằng ngày. Đặc biệt là các hoạt động yêu cầu cổ tay vận động lặp đi lặp lại trong thời gian dài. Những nhóm nghề có nguy cơ cao thường bao gồm:
- Công nhân dây chuyền, phải thao tác máy móc liên tục.
- Tài xế xe tải, xe khách hoặc xe công nghệ.
- Thợ thủ công, như thêu, dệt, sửa chữa điện tử.
- Thợ làm bánh, thường nhào bột và thao tác cắt gọt.
- Thợ cắt tóc với chuyển động kéo lược và cầm kéo nhiều giờ.
- Thu ngân siêu thị sử dụng máy tính tiền và quét mã sản phẩm.
- Nhân viên văn phòng, thư ký, người thường xuyên đánh máy.
- Nhạc công chơi nhạc cụ như piano, guitar, trống điện.

Các phương pháp điều trị hội chứng ống cổ tay
Việc điều trị hội chứng ống cổ tay cần dựa vào mức độ nghiêm trọng của triệu chứng và thời gian bệnh kéo dài. Mỗi phương pháp sẽ phù hợp với từng giai đoạn khác nhau. Mục tiêu là giảm áp lực lên dây thần kinh giữa và khôi phục chức năng của bàn tay.
Trong giai đoạn nhẹ, bác sĩ thường ưu tiên điều trị nội khoa. Người bệnh có thể được kê thuốc giảm viêm không steroid hoặc corticosteroid uống ngắn ngày. Đồng thời, cần hạn chế các động tác gập duỗi cổ tay quá mức để giúp giảm sưng và giảm chèn ép thần kinh.
Bên cạnh thuốc, sử dụng nẹp cổ tay là giải pháp khá hiệu quả. Người bệnh có thể đeo nẹp vào ban đêm hoặc suốt cả ngày nếu cần. Việc giữ cổ tay ở vị trí trung tính giúp giảm đau rõ rệt. Nhiều nghiên cứu cho thấy triệu chứng cải thiện đáng kể chỉ sau vài tuần kiên trì dùng nẹp đúng cách.
Với những trường hợp nặng hơn, khi người bệnh có dấu hiệu teo cơ, rối loạn cảm giác hoặc điều trị nội khoa không hiệu quả, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật. Trước đây, phương pháp mổ mở qua gan tay được sử dụng phổ biến. Tuy nhiên hiện nay, phẫu thuật nội soi được lựa chọn nhiều hơn vì ít xâm lấn, thời gian hồi phục nhanh và ít để lại sẹo.
Dù chọn cách điều trị nào, điều quan trọng là cần phát hiện sớm và điều trị đúng thời điểm. Áp dụng biện pháp điều trị phù hợp cải thiện sức khỏe cổ tay. Thay đổi nhỏ trong thói quen sinh hoạt hằng ngày cũng giúp cải thiện tình trạng bệnh. Hy vọng bài viết chia sẻ về hội chứng ống cổ tay đã giúp bạn có thêm nhiều thông tin hữu ích!
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương – Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh