Hướng dẫn các dáng đi với nạng
Nạng là thiết bị hỗ trợ đi lại phổ biến tại các bệnh viện lớn cũng như cộng đồng, có thể dùng tạm thời hoặc thời gian dài hạn. Nạng tiếp xúc với cơ thể ở hai điểm tựa, do đó nạng vững hơn gậy nhiều lần.
Để sử dụng nạng hiệu quả đòi hỏi cơ lực của hai tay và cả thân mình( thêm vào đó là khả năng thăng bằng, kiểm soát của hệ thần kinh trung ương). Các cơ cần được làm mạnh là các cơ làm vững bả vai, cơ duỗi khuỷu, cơ giữ vững cổ tay, và các cơ gập ngón tay. Bệnh nhân nên được khuyến khích tập các động tác như đẩy người lên hở mông ở tư thế ngồi, duỗi khuỷu.. trước khi dùng nạng và tập các dáng đi với nạng.
CÁC LOẠI NẠNG – NẠNG VÀ DÁNG ĐI VỚI NẠNG
Có hai loại nạng chính: nạng nách( underarm / axilla crutches) và nạng khuỷu ( forearm crutches). Loại nạng thường được sử dụng là nạng nách. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân cần phải sử dụng nạng lâu dài, với khả năng kiểm soát cho phép thì nạng khuỷu sẽ gọn gàng hơn.
Thuận lợi chính của nạng nách là cho phép chuyển đến 80% trọng lượng cơ thể. Tuy nhiên cần nhắc người bệnh về khả năng tổn thương thần kinh cánh tay do chèn ép kéo dài khi sử dụng nạng nách. Cần tránh thả người tựa vào vùng nách.
Nạng có bệ đỡ( Forearm support crutches,platform crutches) là một trong những loại nạng của Việt Nam, tuy nhiên nó không được phổ biến, ít được sử dụng( và cũng ít thấy trên thị trường Việt Nam). Nạng này có bệ đỡ ở cẳng tay và tay cầm điều chỉnh được, dành cho những người cần nâng đỡ nhiều hơn hoặc không chịu được lực qua cổ bàn tay như viêm khớp dạng thấp.
Nạng có thể được chế tạo bởi các vật liệu khác nhau như gỗ, nhôm, sắt, inox … Việc lựa chọn loại nạng và vật liệu phụ thuộc vào sự sẵn có, mong muốn về độ bền( inox bền hơn nhôm, gỗ), trọng lượng(nhôm nhẹ hơn), khả năng điều chỉnh( nạng nhôm dễ điều chỉnh) và mức độ khuyết tật của người bệnh.
CÁCH ĐO NẠNG NÁCH – NẠNG VÀ DÁNG ĐI VỚI NẠNG
- Xác định chiều dài của nạng bằng cách đo khoảng cách từ nếp lằn nách trước đến1điểm 10-15cm bên ngoài ngón chân út khi bệnh nhân đứng.
- Đo vị trí tay cầm bằng cách đặt đầu nạng bên ngoài bàn chân 5-7cm.Khuỷu gập 30,cổ tay duỗi tối đa, các ngón nắm chặt.
- Bệnh nhân phải có thể nâng mình lên 2- 4cm bằng cách duỗi khuỷu.
CÁC DÁNG ĐI VỚI NẠNG
Dáng Đi Ba Điểm – Nạng Và Dáng Đi Với Nạng
- Chỉ định: gãy chân, cắt cụt, hoặc đau một chân
- Cách đi: di chuyển chầm chậm hai nạng và chân yếu, sau đó đến chân mạnh hơn hay chân bình thường, lặp lại quá trình này nhiều lần. Lên cầu thang với chân mạnh trước, xuống cầu thang với nạng và chân đau/ yếu trước.
- Thuận lợi: giúp giảm bớt tác động lực vào chân đau/ yếu.
- Cách tăng tiến của dáng đi 3 điểm: phụ thuộc vào chỉ định của thầy thuốc mà mức chịu trọng lượng lên chân đau/yếu hoặc chân sau khi mổ có thể thay đổi.
+ Không chịu trọng lượng (NWB): chân đau/mổ không tiếp xúc với bề mặt sàn khi di chuyển.
+ Chạm mũi/gót chân (toe-touch): bàn chân chạm hờ trên sàn khi di chuyển( tăng giữ thăng bằng).
+ Chịu trọng lượng một phần (PWB): bàn chân chịu một phần trọng lượng, phần lớn trọng lượng vẫn dồn qua hai tay.
+ Chịu trọng lượng đến mức dung nạp được (WBAT): chịu trọng lượng nhiều hơn nếu không đau.
+ Chịu trọng lượng hoàn toàn(FWB).
Dáng Đi 4 Điểm – Nạng Và Dáng Đi Với Nạng
- Chỉ định: bệnh nhân yếu hai chi dưới hoặc điều hợp kém( thất điều)
- Cách đi: Nạng trái tiếp theo đến chân phải, nạng phải sau đó đến chân trái, rồi lặp đi lặp lại quá trình này.
- Thuận lợi: Vững, luôn luôn có ít nhất 3 điểm tiếp đất
- Bất lợi: Khó học, dáng đi tương đối chậm
Dáng Đi Hai Điểm
- Chỉ định: bệnh nhân yếu hai chi dưới hay điều hợp kém (thất điều), tăng tiến của dáng đi bốn điểm
- Cách đi: nạng trái và chân phải, sau đó nạng phải và chân trái.
- Thuận lợi: vững, nhanh hơn dáng đi 4 điểm, giảm chịu trọng lượng cả hai chân
Dáng Đi Đu Tới
- Chỉ định: bệnh nhân liệt hai chi dưới
- Cách đi: tựa lên hai nạng, bệnh nhân di chuyển hai chân đu đến ngang mức nạng
Dáng Đi Đu Qua
- Chỉ định: bệnh nhân liệt hai chi dưới
- Cách đi: tựa lên hai nạng, di chuyển cả hai chân đu qua hai nạng. Là tăng tiến của dáng đi đu tới.
- Thuận lợi: dáng đi nhanh nhất ( nhanh hơn dáng đi thông thường)
- Bất lợi: tiêu tốn rất nhiều năng lượng, khó học
- Đòi hỏi các cơ bụng và tay mạnh, thăng bằng thân tốt
Dáng Đi Kéo Tới (Drag -To Gait)
- Chỉ định: dùng như dáng đi ban đầu khi tập dáng đi cho bệnh nhân liệt hai chân. Khi bệnh nhân thăng bằng tốt hơn thì chuyển qua dáng đi đu
- Cách đi: Đưa nạng trái, nạng phải lên, rồi kéo lê hai chân đến mức nạng
- Bất lợi: rất chậm và tốn nhiều năng lượng