Thuật ngữ “bệnh viêm khớp” không chỉ là một bệnh mà có trên 100 loại bệnh viêm khớp khác nhau. Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu một số bệnh viêm khớp thường gặp.
Bệnh viêm xương khớp
Nguyên nhân gây ra bệnh là sự thoái hóa sụn khớp. Sụn là phần đệm bảo vệ xương, giúp cho khớp cử động dễ dàng và giảm áp lực lên xương. Khi sụn bị thoái hóa, phần xương bên dưới lớp sụn sẽ phát triển dày lên tạo thành các chồi xương. Sự cọ xát các xương sẽ gây nên tình trạng đau nhức và khó khăn trong cử động, di chuyển.
Bệnh thường gặp ở người già, người bị béo phì, người bị dị dạng khớp bẩm sinh… Và phụ nữ chiếm đa số. Một đặc điểm đáng lưu ý của bệnh viêm xương khớp là các khớp không bị sưng viêm và bệnh chỉ hạn chế ở các khớp.
Bệnh viêm khớp dạng thấp
Là một bệnh tự miễn, các kháng thể của cơ thể tấn công lên chính xuơng và sụn của chính cơ thể mình. Nguyên nhân gây bệnh đến nay vẫn chưa rõ. Bệnh gây nên tình trạng sưng viêm, đau nhức và làm cứng khớp. Quá trình diễn tiến bệnh thường chậm, khởi đầu tác động lên một khớp sau lan ra các khớp khác.
Bệnh thường tác động lên các khớp đối xứng và ở mức độ nặng sẽ gây ra biến dạng ở các khớp. Bệnh thường gặp ở phụ nữ (gấp ba lần so với nam giới) với độ tuổi từ 30 – 50 tuổi và gây nên tình trạng suy nhược cơ thể.
Điều trị:
Trong điều trị bệnh viêm xương khớp và bệnh viêm khớp dạng thấp, thường kết hợp các phương pháp sau:
– Tập vật lý trị liệu, giảm cân, thư giãn cùng với chế độ dinh duỡng giàu vitamin và khoáng chất.
– Giảm đau với các loại thuốc như acetaminophen, aspirin, thuốc kháng viêm non-steroid (NSAID).
– Đối với bệnh viêm khớp dạng thấp, có thể sử dụng các thuốc thuộc nhóm ức chế miễn dịch như: methotrexat, azathiopurin, cyclophosphamid…
– Áp dụng phương pháp phẫu thuật thay khớp khi tình trạng bệnh đã nặng.
Bệnh gút
Nguyên nhân gây ra bệnh gút là do sự rối loạn chuyển hóa acid uric trong cơ thể. Acid uric và muối urat của nó tăng cao trong máu, sẽ lắng đọng thành những tinh thể sắc cạnh, tập trung ở các khớp gây ra cơn đau nhức dữ dội. Bệnh thường xảy ra đột ngột với những triệu chứng điển hình: sưng, nóng, đỏ, đau ở những vùng bị viêm.
Bệnh thường gặp ở tuổi trung niên, đa số ở nam giới. Khi các tinh thể này tập trung với nồng độ cao ở thận có thể gây ra biến chứng: sỏi thận và suy thận rất nguy hiểm.
Điều trị:
– Tăng cường luyện tập thể dục, thể thao (để giúp đẩy nhanh quá trình thải trừ acid uric).
– Hạn chế bia, rượu và những thức ăn giàu purin (do acid uric là chất chuyển hóa cuối cùng của purin) như: nghêu, sò, gan, lòng, thịt đỏ…
– Sử dụng thuốc colchicin kết hợp nhóm thuốc tăng thải trừ acid uric như allopurinol.
– Giảm đau với nhóm thuốc giảm đau đơn thuần như acetaminophen, aspirin và nhóm thuốc kháng viêm non-steroid (NSAID).
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương – Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh