Cổ được cấu tạo từ bảy đốt sống là những xương được liên kết chặt chẽ với nhau và ngăn cách nhau bởi các đĩa đệm có chức năng cố định và cho phép cổ chuyển động được. Vùng cổ là vùng ít được bảo vệ nhất so với các vị trí đốt sống khác. Do đó nó dễ dàng bị tổn thương hơn.
Rất nhiều người bị đau hoặc cứng cổ do chấn thương, sử dụng quá mức hoặc viêm. Có nhiều biện pháp điều trị đau cổ tùy theo nguyên nhân gây ra.
Nhiều trường hợp đau cổ thường chỉ ở mức độ nhẹ và sẽ tự khỏi trong vòng vài ngày. Tuy nhiên đôi khi đau cổ cũng có thể là dấu hiệu của một bệnh lý khác nghiêm trọng hơn.
Bài viết này sẽ cung cấp các thông tin về những nguyên nhân gây đau cổ khác nhau và các biện pháp điều trị chúng.
NGUYÊN NHÂN
Nhiều nguyên nhân có thể gây đau cổ, bao gồm:
Căng cơ
Căng các cơ ở vùng cổ quá mức có thể gây đau tại vị trí đó. Cơn đau nay có thể đau âm ỉ hoặc đau nhói.
Cơn đau có thể đau chói lên, đặc biệt là khi cử động phần đầu.
Các nguyên nhân sau cũng có thể gây ra tình trạng căng cơ:
- Tư thế không phù hợp
- Ngủ trong tư thế không có sự nâng đỡ cổ tốt
- Ngồi tại bàn hay trước máy tính quá lâu
Thoái hóa cột sống cổ
Thoái hóa cột sống cổ xảy ra khi các đĩa đệm nằm giữa các đốt sống cổ bị thoái hóa dần theo thời gian.
Tình trạng này làm tăng ma sát giữa các đốt sống và gây ra các triệu chứng đau và cứng ở vùng cổ.
Các đĩa đệm thường sẽ bị thoái hóa dần theo thời gian do đó bệnh thoái hóa cột sống cổ thường gặp hơn ở những người lớn tuổi.
Các đĩa đệm cũng có thể bị lồi ra ngoài và đè lên phần tủy sống hay rễ dây thân kinh ở vị trí đó. Quá trình thoái hóa tiến triển xấu dần theo thời gian và có thể dẫn đến tình trạng thoát vị đĩa đệm, lúc đó đĩa đệm sẽ chèn ép hoàn toàn các mô thần kinh và gây đau dữ dội tại vùng cổ, cơn đau có thể lan đến vai và xuống một hay cả hai tay.
Chấn thương
Cổ là bộ phận có cử động linh hoạt và liên tục nâng đỡ đầu, do đó đây là bộ phận rất dễ bị tổn thương.
Một số nguyên nhân có thể gây chấn thương cổ như:
- Tai nạn giao thông
- Các môn thể thao va chạm nhiều.
- Ngã
- Lặn
- Nâng tạ
Chấn thương cơ hay dây chằng thường gây chấn thương tại cổ.
Trong những trường hợp nặng, chấn thương có thể dẫn đến gãy cổ, khi đó một hoặc nhiều đốt sống cổ bị gãy.
Cổ gãy có thể gây đau dữ dội và lan đến các vị trí khác của cột sống. Nó cũng làm tăng nguy cơ bị chấn thương tủy sống và mất các chức năng thần kinh ví dụ như gây ra các tình trạng như liệt.
Bệnh lý rễ tủy cổ
Bệnh lý này liên quan đến tình trạng dây thần kinh bị chèn ép. Bệnh lý xảy ra khi một rễ thần kinh bất kỳ xuất phát từ tủy sống bị kích thích hoặc bị chèn ép khiến cho cơn đau xuất hiện lan từ cổ đến vai và phần chi trên.
Tình trạng này cũng khiến cho cơ bị yếu, tê hoặc có cảm giác kim châm chạy dọc theo cánh tay hay bàn tay.
Các trường hợp khác như viêm khớp hay chấn thương có gây thoát vị đĩa đệm cũng có thể gây ra bệnh lý rễ tủy cổ.
Hẹp ống sống
Hẹp ống sống là tình trạng ống sống bị hẹp khiến cho các rễ thần kinh bị chèn ép. Sự hẹp này thường xảy ra tại vùng cổ hoặc lưng dưới.
Các bệnh nhân hẹp ống sống có thể cảm thấy đau tại vùng cổ, lưng hoặc chân. Cơn đau thường trở nên tệ hơn khi cử động, nhưng đôi khi chỉnh sửa lại tư thế của cổ có thể làm dịu bớt cơn đau.
Viêm xương khớp thường là nguyên nhân gây hẹp ống sống. Các nguyên nhân khác có thể là u vùng tủy sống, dị tật bẩm sinh và bệnh Paget.
Viêm màng não
Viêm màng não là tình trạng lớp màng bao phủ bên ngoài của não và tủy sống bị viêm. Các nhiễm trùng do vi khuẩn hay virus có thể gây ra tình trạng này.
Viêm màng não do vi khuẩn (hay viêm màng não mủ) có thể rất nghiêm trọng và đôi khi gây ảnh hưởng đến tính mạng. Nếu như có bất kỳ các triệu chứng sau đây thì nên đi khám hoặc cấp cứu ngay:
- Cứng vùng cổ
- Sốt
- Nhức đầu
- Buồn nôn
- Nôn ói
- Nhạy cảm với ánh sáng
Ung thư
Các ung thư ở vùng cổ và đầu có thể gây ra triệu chứng đau cổ.
Có nhiều loại ung thư đầu và cổ khác nhau, như:
- Ung thư khoang và xoang cạnh mũi
- Ung thư thanh quản
- Ung thư khoang miệng
- Ung thư vòm họng
- Ung thư tuyến nước bọt
Các triệu chứng khác của các ung thư vùng đầu cổ:
- Đau miệng
- Có khối u tại vùng đầu và cổ
- Thay đổi giọng nói
- Khó thở
- Đau hàm
- Sốt
- Mệt mỏi
- Sụt cân
PHƯƠNG THỨC ĐIỀU TRỊ TẠI NHÀ
Có nhiều cách để làm giảm đau vùng cổ tại nhà, bao gồm:
- Các thuốc giảm đau không kê đơn như acetaminophen (Tylenol)
- Chườm ấm hoặc lạnh lên vùng cổ để làm giảm triệu chứng đau
- Tránh tham gia các môn thể thao va chạm hay nâng vật nặng
- Liên hệ với chuyên gia vật lý trị liệu
- Thực hiện giãn nhẹ các cơ vùng cổ
- Giữ tư thế chuẩn
- Tập các bài thể dục nhẹ nhàng như yoga
- Sử dụng gối nâng đỡ cổ khi ngủ
Có nhiều các bài tập ở cổ để giúp làm giảm cơn đau. Ví dụ như:
- Đứng thẳng hoặc ngồi vào ghế với bàn chân để phẳng trên sàn cách nhau một khoảng bằng vai.
- Chầm chậm xoay đầu sang phải cho đến khi cảm nhận được sự căng nhẹ. Cẩn thận không nên giãn quá mức và gây đau thêm. Giữ tư thế này trong vòng 10 – 30 giây.
- Xoay đầu sang trái tương tự và giữ 10 – 30 giây.
- Lặp lại đến khoảng 5 lần mỗi bên.
ĐỀ PHÒNG
Trong hầu hết các trường hợp, các cơn đau ở cổ sẽ tự hết. Tuy nhiên, nên đi khám ngay nếu như có những triệu chứng dưới đây:
- Đau cổ sau khi bị tai nạn giao thông, té ngã, hay tai nạn bơi lặn.
- Đau, tê, hay cảm giác yếu lan ra các cánh tay và chân.
- Các vấn đề của bàng quang hay hệ tiêu hóa.
- Cơn đau dữ dội và càng lúc càng nhiều
- Đau đầu kèm đau hay cứng cổ
- Dấu hiệu của sốt
- Buồn nôn và nôn
- Khối u ở vùng cổ và đầu
TIÊN LƯỢNG
Đau cổ là tình trạng thường gặp và có xu hướng tự khỏi sau vài ngày.
Tư thế xấu và căng cơ quá mức là một số nguyên nhân gây đau cổ thường gặp.
Một số bệnh nhân sẽ gặp đau cổ ở mức độ nặng hơn và đôi khi còn đi kèm một vài triệu chứng khác ở các vùng cơ thể gần đó. Đây có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nghiêm trọng hơn. Do đó nếu như gặp phải nên đi khám ngay.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương – Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh