Đau vùng chậu (đau dưới rốn ở bụng dưới phía trước bao gồm cả cơ quan sinh dục) có thể xuất hiện đột ngột và nghiêm trọng hoặc có thể chỉ biểu hiện nhẹ nhưng kéo dài nhiều tháng liền. Nên đi khám càng sớm càng tốt để tìm ra nguyên nhân đau vùng chậu và có biện pháp hỗ trợ điều trị kịp thời.
Đau vùng chậu là tình trạng thường xảy ra ở phụ nữ, nam giới hiếm khi bị ảnh hưởng. Nguyên nhân gây đau vùng chậu có thể được chia thành 2 loại:
– Đau vùng chậu cấp tính (đột ngột, bất ngờ).
– Đau vùng chậu mạn tính (kéo dài dai dẳng hoặc thường xuyên tái phát).
Đau vùng chậu cấp tính
Đau vùng chậu xuất hiện đột ngột, lần đầu tiên được gọi là đau vùng chậu cấp tính. Nếu bị đau vùng chậu cấp tính, đi khám ngay để tìm ra nguyên nhân và bắt đầu hỗ trợ điều trị.
Nguyên nhân thường gặp của đau vùng chậu cấp tính
– U nang buồng trứng: u phát triển trong buồng trứng và gây đau vùng chậu khi bị xoắn hoặc vỡ.
– Viêm vùng chậu cấp tính: là bệnh viêm nhiễm ở các cơ quan vùng chậu. Nó cũng có thể là biến chứng của bệnh lây truyền qua đường tình dục như bệnh lậu và cần được hỗ trợ điều trị ngay bằng thuốc kháng sinh.
– Viêm ruột thừa: viêm hoặc nhiễm trùng ruột thừa thường gây đau vùng chậu hoặc bụng dưới bên phải. Các triệu chứng kèm theo bao gồm buồn nôn, nôn mửa và sốt.
– Viêm đường tiết niệu: bệnh gây ra triệu chứng nóng rát khi đi tiểu và có nhu cầu đi tiểu thường xuyên hơn.
– Táo bón hoặc ruột co thắt: thường xuất phát từ những thay đổi trong chế độ ăn uống, thuốc men hoặc trong trường hợp hiếm hoi là do tắc nghẽn ở ruột.
Nguyên nhân ít gặp của đau vùng chậu cấp tính
– Áp – xe vùng chậu: là một bọc kín chứa mủ giữa tử cung và âm đạo. Áp – xe vùng chậu cần được hỗ trợ điều trị khẩn cấp tại bệnh viện.
– Lạc nội mạc tử cung: Đây là căn bệnh mà các mô hay tế bào nội mạc tử cung xuất hiện bên ngoài tử cung. Trong kỳ kinh nguyệt, các mô bị phá vỡ và bị kẹt lại trong cơ thể, hình thành thương tổn và gây đau dữ dội.
Đau vùng chậu mạn tính
Đau vùng chậu kéo dài trong 6 tháng hoặc nhiều hơn hay tái phát liên tục được gọi là đau vùng chậu mạn tính. Nếu bị đau vùng chậu mạn tính, cần đi khám để tìm ra nguyên nhân và có hướng hỗ trợ điều trị cần thiết.
Nguyên nhân thường gặp của đau vùng chậu mãn tính:
– Lạc nội mạc tử cung: có thể gây đau vùng chậu và bụng định kỳ.
– Viêm vùng chậu mạn tính: có các triệu chứng như đau lan đến bụng, dịch âm đạo xuất hiện nhiều, đau khi giao hợp hoặc đi tiểu bất thường.
– Hội chứng ruột kích thích: một tình trạng phổ biến của hệ tiêu hóa có thể gây ra đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy và táo bón.
Nguyên nhân ít gặp của đau vùng chậu mạn tính:
– U nang buồng trứng tái phát: U nang buồng trứng thường lành tính, có thể tự mất đi sau một vài chu kỳ kinh nguyệt nhưng vẫn có nguy cơ tái phát sau hỗ trợ điều trị.
– Viêm đường tiết niệu tái phát
– Sa tử cung: là tình trạng tử cung sa thấp hơn vị trí bình thường. Bệnh xảy ra rất phổ biến ở những phụ nữ sau khi sinh con, sinh đẻ nhiều lần, đặc biệt là những người không kiêng cữ, không có chế độ dinh dưỡng khoa học và thuờng lao động nặng sau khi sinh.
– Lạc nội mạc trong cơ tử cung: là một tình trạng lớp nội mạc tử cung di chuyển vào thành cơ tử cung. Bệnh thường không có triệu chứng ở giai đoạn đầu. Dần dần xuất hiện rối loạn kinh nguyệt (ra huyết nhiều khi có kinh), đau bụng khi hành kinh ngày càng nặng và kéo dài, đau khi giao hợp. Tử cung lớn dần lên gấp hai hay ba lần bình thường.
– U xơ tử cung: gây ra cơn đau vùng chậu (nhẹ, trung bình hoặc nặng), đau khi giao hợp, đau vùng chậu và có thể cản trở khả năng thụ thai của người phụ nữ.
– Viêm bàng quang kẽ mạn tính: Đau vùng chậu mãn tính tái phát là một dấu hiệu của viêm bàng quang kẽ (IC).
– Hội chứng tắc nghẽn vùng chậu: xảy ra khi tĩnh mạch vùng chậu trở nên sưng lên và đau đớn do lưu lượng máu thấp. Cơn đau vùng chậu gây ra bởi các tĩnh mạch thường tăng lên khi ngồi hoặc đứng và giảm dần nằm thoải mái.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương – Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh