1. Người bệnh cần biết gì trước khi điều trị khớp gối viêm?
Bệnh nhân đã phát hiện được viêm khớp gối (VKG) từ sớm nhưng chưa biết chữa theo hướng nào? Cách điều trị nào hiệu quả và phù hợp nhất? Tất cả xuất phát từ một phác đồ chữa VKG tiêu chuẩn.
1.1. Phác đồ điều trị viêm khớp gối xây dựng trên nguyên tắc nào?
Để xây dựng được phác đồ điều trị VKG hiệu quả, cần dựa theo đặc điểm bệnh lý và độ phù hợp của các nhóm thuốc với thể trạng bệnh nhân. Cụ thể các y bác sĩ phải chú ý những nguyên tắc sau:
– Quá trình chữa lâu dài, toàn diện, tích cực. Bệnh nhân thường xuyên được kiểm tra, quan sát triệu chứng cùng phản ứng khi dùng thuốc.
– Ưu tiên chọn các thuốc tác dụng chậm nhưng tập trung vào biểu hiện, tác nhân gây bệnh, phù hợp mục tiêu trị dài lâu.
– Kết hợp thuốc với liều lượng phù hợp. Đổi nhóm thuốc sau một thời gian thấy khả năng đáp ứng thuốc không cao.
– Tuần tự thực hiện từng bước của quy trình theo đúng kế hoạch. Cần xét nghiệm và đánh giá chức năng các tạng trước và trong khi điều trị.
– Chú ý vào các triệu chứng lâm sàng thay vì trường hợp ngoại lệ.
– Sử dụng thuốc đã qua kiểm chứng lâm sàng.
– Nếu việc điều trị có kết quả tốt, bác sĩ có thể giảm liều lượng thuốc hoặc chuyển đổi sang liệu pháp trị cường độ nhẹ hơn. Tuy nhiên cần có sự đồng ý của cả bác sĩ chuyên khoa và bệnh nhân.
1.2. Lưu ý gì trước khi thực hiện theo phác đồ điều trị viêm khớp gối?
Với bệnh nhân VKG, trước, trong và sau khi điều trị cần chú ý một số vấn đề:
– Phát hiện và điều trị bệnh ngay từ sớm: Ở giai đoạn đầu, VKG chưa biến chứng, dễ kiểm soát, chưa ảnh hưởng nhiều tới khả năng vận động. Do đó việc chữa bệnh đơn giản và hiệu quả hơn.
– Không tự ý dùng thuốc mà không thăm khám hay hỏi ý kiến bác sĩ.
– Kiên trì, tuân thủ thực hiện theo phác đồ bác sĩ đưa ra.
– Sau điều trị, bệnh nhân cần tái khám định kỳ để đánh giá tình trạng sức khỏe và hiệu quả việc chữa trị.
2. Phác đồ điều trị VKG được Bộ Y tế áp dụng
Phác đồ điều trị VKG được Bộ Y tế công nhận và áp dụng chính là quy chuẩn với các cơ sở y tế. Từ đó, các chuyên gia sẽ xây dựng được liệu trình chữa phù hợp với từng bệnh nhân.
2.1. Điều trị triệu chứng bằng thuốc chống viêm
Mở đầu liệu trình chữa VKG, bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc nhằm khắc phục các biểu hiện như: đau, viêm sưng khớp gối, tấy đỏ, cứng khớp, đồng thời cải thiện chức năng vận động. Sẽ có 2 nhóm thuốc chống viêm phổ biến như sau:
Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID)
Tùy vào thể trạng bệnh nhân mà bác sĩ có thể cân nhắc dùng một trong hai loại nhóm thuốc:
Nhóm thuốc chống viêm ức chế COX2 chọn lọc được ưu tiên chỉ định vì dùng được trong thời gian dài, không gây tác dụng phụ nghiêm trọng. Loại thuốc NSAID và liều lượng như sau:
– Celecoxib: 200mg – 2 lần mỗi ngày với liều lượng bác sĩ khuyến cáo
– Meloxicam: 15mg mỗi ngày một lần, dạng viên hoặc tiêm bắp tay
– Etoricoxib: 60 – 90mg dùng một lần mỗi ngày
Nhóm thuốc kháng viêm ức chế không chọn lọc có thể dùng dạng tiêm hoặc uống tùy theo kê đơn của bác sĩ. Các thuốc thường dùng là:
– Diclofenac: Trong 3 – 7 ngày đầu, dùng 75mg mỗi lần, 2 lần/ngày. Trong 4 – 6 tuần tiếp theo, dùng 50mg mỗi lần, 3 lần/ngày
– Brexin: Dùng 20g một ngày
Tuy nhiên, thuốc nhóm này có thể ảnh hưởng tiêu hóa nên cần lưu ý với bệnh nhân có tiền sử bệnh dạ dày.
Corticosteroids (thuộc nhóm thuốc chống viêm chứa steroid)
Khi các loại kháng viêm không steroid không hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định Corticosteroids, trong đó có: Prednisolone, Prednisone, Methylprednisolone. Cụ thể liều lượng theo mức độ nghiêm trọng của bệnh:
– Thể vừa: Methylprednisolone 16 – 32mg/lần, sử dụng tốt nhất vào đầu buổi sáng (7-8h) sau ăn
– Thể nặng: Tiêm tĩnh mạch 40mg mỗi ngày 1 lần
– Thể cấp tính, biến chứng nặng: Truyền qua tĩnh mạch Methylprednisolone 500-1000mg trong vòng 30-45 phút, liên tục 3 ngày
– Thể mãn tính: Methylprednisolone 20mg mỗi ngày vào đầu giờ sáng sau ăn
2.2. Điều trị bằng thuốc ngăn thấp khớp (DMARDs)
Khi bệnh ở giai đoạn khởi phát, thể nhẹ, có thể dùng đơn lẻ DMARDs thông thường như sau:
– Methotrexate: Khởi đầu từ liều 7,5mg/tuần, tối đa 20mg/tuần tùy vào khả năng đáp ứng của bệnh nhân cũng như chỉ định của bác sĩ
– Sulfasalazin: Bắt đầu với liều 500mg mỗi ngày, mỗi tuần tăng 500mg cho tới khi đạt giới hạn 2000mg/ngày, 2 lần mỗi ngày và duy trì ở liều này
Nếu việc dùng thuốc lẻ không có khả năng đáp ứng, bệnh nhân được chuyển qua dùng cả hai loại.
Với bệnh ở thể nặng, DMARDs không hiệu quả sau 6 tháng, bác sĩ sẽ kê kết hợp DMARDs thông thường và DMARDs sinh học:
– Interleukin 6 4-8mg/ 1kg trọng lượng + 10-15mg Methotrexate mỗi tuần, truyền tĩnh mạch mỗi tháng không quá 400mg
– Thuốc kháng Lympo 6 500mg mỗi lần truyền tĩnh mạch 2 lần/ tháng + 10-15mg Methotrexate mỗi tuần
Ngoài ra, có thể kết hợp Methotrexate với một trong những loại kháng TNF α theo cách sau:
– Etanercept: Tiêm dưới da 50mg/ lần/ tuần
– Adalimumab: Tiêm dưới da 40mg/ lần/ 2 tuần
– Golimumab: Tiêm dưới da 50mg/ lần/tháng
– Infliximab: Truyền tĩnh mạch 2- 3 mg / kg trọng lượng mỗi tháng
Trước đó, bệnh nhân phải được thực hiện xét nghiệm sàng lọc các bệnh lý như lao, viêm gan, chức năng gan thận,…
Một lưu ý nữa, khi dùng thuốc người bệnh sẽ được theo dõi trong 3-6 tháng, nếu không hiệu quả sẽ được đổi sang cặp kết hợp khác.
2.3. Điều trị phối hợp
Bên cạnh việc dùng thuốc, bệnh nhân VKG sẽ cần phối hợp các biện pháp khác nhằm giảm thiểu triệu chứng, hỗ trợ đẩy nhanh hiệu quả điều trị. Các phương pháp phối hợp được chỉ định gồm:
Nghỉ ngơi hợp lý
Trong giai đoạn điều trị cấp tính, bệnh nhân rất cần được nghỉ ngơi để khớp có thời gian phục hồi, thư giãn
Luyện tập đúng cách
Sau thời gian nghỉ ngơi, người bị VKG nên di chuyển và thực hiện một số bài tập luyện nhẹ nhàng và phù hợp như yoga, đi bộ,…
Vật lý trị liệu
Bệnh nhân sẽ thực hiện bài tập theo giáo trình phục hồi chức năng khi được chuyên gia chỉ định và hướng dẫn. Nếu cần thiết, bác sĩ có thể đưa ra phương án phẫu thuật hay thay khớp nhân tạo.
Lưu ý
Trong quá trình dùng thuốc, khó tránh được các tác dụng phụ tới tiêu hóa hay các cơ quan khác. Bệnh nhân cần chú ý tuân thủ theo ý kiến bác sĩ, thay đổi thói quen, dinh dưỡng để bù chất cho phù hợp. Đồng thời việc này cũng giúp hạn chế biến chứng sau điều trị.
3. Phòng ngừa biến chứng, theo dõi sau thực hiện phác đồ điều trị viêm khớp gối
Vì tính chất kéo dài cùng phương thức điều trị phức tạp, người bệnh VKG trong và sau quá trình chữa đều cần được theo dõi, ngăn chặn nguy cơ biến chứng cùng tiến triển bệnh.
Theo dõi sức khỏe
Thuốc chống viêm ít nhiều sẽ ảnh hưởng tới dạ dày, hệ tiêu hóa. Bệnh nhân cần báo ngay bác sĩ nếu có các dấu hiệu đau bụng, đầy hơi,… Thêm vào đó, DMARDs và Corticosteroid có thể gây thiếu vitamin D, canxi tăng nguy cơ loãng xương.
Do vậy, người bệnh cần được thăm khám để bác sĩ đánh giá thể trạng. Kỹ thuật chẩn đoán thường là chụp X-quang, MRI, xét nghiệm máu.
Bổ sung dưỡng chất
Bệnh nhân VGK luôn cần bổ sung glucosamine, chondroitin và dầu cá. Các chất này giúp giảm đau, hỗ trợ quá trình tái tạo sụn khớp, kháng viêm, có thể dùng kết hợp với thuốc điều trị.
Trên đây là thông tin và chia sẻ về phác đồ điều trị bệnh lý viêm khớp gối. Điều người bệnh cần chọn lựa đúng, tuân thủ nghiêm túc theo phác đồ. Từ đó bệnh mới có thể được cải thiện, tránh được những tác dụng phụ và biến chứng không mong muốn.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương – Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh