1. Triệu chứng thoái hóa khớp háng
Thoái hóa khớp háng khiến người bệnh đi lại khó khăn vì khớp này gánh trọng lượng cơ thể nhiều nhất. Bệnh nhân thường đau vùng bẹn, sau đó lan xuống đùi, đau tăng khi cử động hay đứng lâu và đi khập khiễng. Triệu chứng của thoái hóa khớp háng liên quan đến tình trạng hư sụn khớp và mọc các gai xương.
Cơn đau xuất hiện khi thay đổi tư thế, đi đứng, chạy nhảy, nếu bệnh nhân hạn chế vận động và nghỉ ngơi thì cơn đau cũng giảm theo. Khi bị thoái hóa nặng, các cơn đau khủng khiếp diễn ra thường xuyên hơn và bệnh nhân bị hạn chế cử động khớp háng.
Thay đổi thời tiết có thể gây tăng đau, hạn chế vận động. Giai đoạn đầu người bệnh khó làm một số động tác như ngồi xổm, trèo lên ghế, ngồi kiểu cưỡi ngựa. Giai đoạn sau mức độ tăng dần, đi khập khiễng, phải chống gậy,…
2. Điều trị thoái hóa khớp háng
Hiện nay, bệnh thoái hóa khớp háng và cách điều trị phụ thuộc vào mức độ nặng hay nhẹ của bệnh. Ở giai đoạn sớm, bệnh nhân có thể dùng các phương pháp điều trị bằng vật lý trị liệu (chườm nóng, chiếu đèn hồng ngoại và tập vật lý trị liệu…).
Khi bệnh nặng hơn, người bệnh có thể dùng các thuốc giảm đau, thuốc chống viêm hay các thuốc chống thấp khớp theo chỉ định của bác sĩ.
Và trong trường hợp cần thiết, khi các phương pháp trên không có tác dụng thì người bị thoái hóa khớp háng sẽ phải phẫu thuật (khi đó, người bệnh sẽ phải đục xương sửa trục xương đùi, khung chậu, ghép xương ổ cối: được chỉ định với những trường hợp thoái hoá khớp háng giai đoạn sớm) hoặc thay toàn bộ khớp háng để khắc phục tình trạng bệnh lý và trở về cuộc sống bình thường.
Thay toàn bộ khớp háng được chỉ định với những trường hợp thoái hoá khớp háng nặng, đau nhiều, thường gặp ở bệnh nhân trên 60 tuổi.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương – Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh