Viêm khớp dạng thấp là bệnh lý tự miễn gây tổn thương màng hoạt dịch khớp, thường gặp ở nữ lứa tuổi trung niên. Nếu không được điều trị bệnh không chỉ gây tổn thương khớp mà còn có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác trên cơ thể thậm chí có thể dẫn tới tàn phế. Hiểu đúng về bệnh viêm khớp dạng thấp sẽ giúp có phương pháp điều trị và phòng bệnh hiệu quả.
1. Khái niệm bệnh lý viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp (VKDT) là bệnh lý khớp tự miễn mãn tính gây tổn thương màng hoạt dịch khớp. Bệnh thường gặp ở lứa tuổi trung niên với tỷ lệ nữ gặp nhiều hơn nam. Không chỉ gây tổn thương tại khớp bệnh còn có thể gây ảnh hưởng xấu đến nhiều cơ quan khác trong cơ thể. Bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì hậu quả dẫn đến tàn phế, giảm chất lượng cuộc sống.
Viêm khớp dạng thấp là bệnh lý tự miễn mạn tính
2. Nguyên nhân cơ chế bệnh sinh
Cho tới nay nguyên nhân gây viêm khớp dạng thấp chưa rõ ràng. Yếu tố tự miễn vẫn được thừa nhận cùng với yếu tố di truyền hoặc tác nhân gây bệnh do nhiễm khuẩn.
Các tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể (vai trò kháng nguyên) sẽ gây ra một chuỗi các phản ứng miễn dịch. Thông qua vai trò của tế bào Lympho T tác dụng lên một loạt các tế bào trung gian (Lympho B, đại thực bào, tế bào nội mô…) và qua một loạt các phản ứng sinh hóa phức tạp, hậu quả là các tế bào Lympho B sẽ sản xuất các Globulin miễn dịch lắng đọng tại màn hoạt dịch khớp gây tổn thương khớp. Đồng thời các đại thực bào được hoạt hóa bởi các Cytokin (giống như yếu tố viêm) tác động lên màng khớp gây tổn thương bào mòn xương và hủy khớp dẫn đến dính và biến dạng khớp.
Ngoài ra còn có các yếu tố bất lợi góp phần gây tổn thương khớp (nhiễm khuẩn, cơ địa, yếu tố môi trường, tiền sử gia đình, gien di truyền HLA-DR4…) cũng có thể gây nguy cơ viêm khớp dạng thấp.
3. Triệu chứng lâm sàng
3.1.Cơ năng
Dấu hiệu cứng khớp buổi sáng: thường xuất hiện ở các khớp nhỏ như bàn – ngón tay, ngón chân, cổ tay, cổ chân, khuỷu… Thời gian cứng khớp kéo dài từ một đến vài giờ.
Sưng đau khớp có tính chất đối xứng, di chuyển và lan tỏa, hạn chế gấp duỗi, cầm nắm, đau liên tục cả ngày, đau nhiều về đêm và gần sáng.
Cơ thể mệt mỏi suy nhược, giảm khả năng làm việc. Bên cạnh đó người bệnh có thể có sốt nhẹ.
3.2.Dấu hiệu tại khớp
Khi bị viêm khớp dạng thấp người bệnh sẽ thấy xuất hiện 1 số triệu chứng điển hình tại khớp cụ thể như:
Tình trạng sưng, đau, nóng tại các khớp và có thể xuất hiện tình trạng tấy đỏ hoặc không.
Triệu chứng này thường xuất hiện ở các khớp nhỏ (bàn tay, ngón tay, ngón chân, cổ tay, cổ chân, khuỷu tay, gối), hiếm gặp hơn là ở khớp vai và khớp háng.
Cơn đau khớp do bệnh này có tính chất đối xứng, di chuyển, hạn chế vận động, nếu có tình trạng biến dạng các khớp (co cứng, lệch trục) thì hạn chế rất nhiều đến sinh hoạt và khả năng làm việc.
Dấu hiệu bệnh chủ yếu là sưng đau nóng ở các khớp
3.3. Dấu hiệu ngoài khớp
Ngoài các dấu hiệu tại khớp người bệnh còn có thể có các triệu chứng ở các bộ phận khác trên cơ thể như:
Tim mạch: Có thể gặp tình trạng viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, loạn nhịp tim…
Hô hấp: viêm phế quản, tràn dịch màng phổi, viêm phổi.
Mắt: Người bệnh có thể bị viêm kết mạc, khô mắt, giảm thị lực.
4. Cận lâm sàng
Cùng với các dấu hiệu lâm sàng thì việc thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, chụp chiếu cũng có vai trò quan trọng trong chẩn đoán viêm khớp dạng thấp.
4.1. Xét nghiệm chẩn đoán viêm khớp dạng thấp
Khi xét nghiệm sẽ thấy 1 số tình trạng bất thường như tốc độ máu lắng tăng, CRP tăng, thiếu máu nhẹ. Ngoài ra kết quả xét nghiệm sẽ cho thấy yếu tố dạng thấp RF dương tính (hiệu giá kháng thể càng cao chứng tỏ bệnh tăng tiến triển và tiên lượng nặng).
4.2. X-quang
Việc chụp X quang cũng có giá trị chẩn đoán viêm khớp dạng thấp với kết quả điển hình như sau:
Bệnh ở giai đoạn 1 – 2: Trên phim X quang sẽ thấy có hình ảnh bào mòn sụn khớp, hẹp khe khớp.
Ở giai đoạn 3: Có hình ảnh tổn thương sụn khớp ở nhiều vị trí, dính khớp một phần trên phim chụp.
Giai đoạn 4: Hình ảnh dính khớp và biến dạng khớp trên phim X quang.
Ngoài ra để chẩn đoán viêm khớp dạng thấp bác sĩ cũng sẽ chỉ định siêu âm khớp và chụp cộng hưởng từ để đánh giá tình trạng tràn dịch, viêm màng hoạt dịch, tổn thương bào mòn hoặc dính khớp.
5. Các phương pháp điều trị
Để điều trị bệnh, bác sĩ sẽ có thể chỉ định 1 số loại thuốc như sau:
5.1.Thuốc điều trị cơ bản
Để điều trị viêm khớp dạng thấp bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc điều trị cơ bản như: Các thuốc chống thấp tác dụng chậm (DMARDs), thuốc chống viêm, các thuốc điều trị triệu chứng.
Việc sử dụng thuốc sẽ được bác sĩ đưa ra chỉ định cụ thể sau khi thăm khám và chẩn đoán tình trạng bệnh của từng bệnh nhân.
6. Phòng bệnh viêm khớp dạng thấp
Để phòng bệnh cần thực hiện 1 số việc như sau:
Cần chủ động chú ý các dấu hiệu để khám, phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Có chế độ làm việc hợp lý, tránh tiếp xúc thời tiết lạnh.
Bệnh viêm khớp dạng thấp không chỉ gây ảnh hưởng đến khớp, gây nguy cơ tàn phế nếu không được điều trị kịp thời mà còn có thể ảnh hưởng xấu đến nhiều cơ quan trên cơ thể. Việc hiểu đúng về bệnh, nhận biết các nguyên nhân, triệu chứng để kịp thời điều trị và phòng tránh là vô cùng cần thiết. Hy vọng với những kiến thức trong bài viết trên đây đã giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh. Nếu thấy có bất kỳ các dấu hiệu nào nghi ngờ viêm khớp dạng thấp hãy đến ngay bệnh viện để được bác sĩ khám và tư vấn phương pháp điều trị kịp thời tránh những biến chứng nguy hiểm.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương – Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh