Đau thần kinh tọa là bệnh lý phổ biến thường gặp ở những người lao động chân tay, nam giới ở tuổi trung niên. Bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng lao động cũng như vận động của người bệnh
1.Triệu chứng bệnh đau thần kinh tọa
Biểu hiện đau thần kinh tọa có thể khác nhau ở từng người, nhưng đa số bệnh đều khởi phát từ từ, người bệnh hầu hết đã có một hay nhiều đợt đau thắt lưng trước đó. Đau lưng là triệu chứng nổi bật của bệnh đau thần kinh tọa, khởi đầu là đau thắt lưng, sau đó cơn đau tiếp tục tăng lên và lan xuống mông, mặt sau đùi, cẳng bàn chân theo đường đi của dây thần kinh tọa.
Triệu chứng bệnh đau thần kinh tọa cũng rất đặc trưng, có khi đau âm ỉ nhưng có thể đau dữ dội hơn khi hắt hơi, ho, rặn,khi cúi gập người. Bệnh thường đau nặng về đêm. Tùy thuộc vào vị trí rễ thần kinh bị tổn thương, người bệnh có thể không nhấc được gót hay mũi chân. Dần dần xuất hiện tình trạng teo cơ đùi, mông, cẳng chân bên tổn thương. Nhiều thống kê cho thấy, có tới 85% bệnh nhân đau thần kinh tọa bị đau một bên, trong đó có 60% bị bên đau bên trái.
Khi bệnh trở nặng người bệnh thường thấy chân tê bì, mất cảm giác, thậm chí có khi không kiểm soát được tiểu tiện. Nhiều trường hợp cơn đau dữ dội khiến người bệnh phải nằm nghiêng về phía đỡ đau và không thể động đậy.
2.Nguyên nhân gây đau thần kinh tọa
Cùng với việc nhận biết triệu chứng bệnh đau thần kinh tọa, việc xác định nguyên nhân gây đâu thần kinh tọa giúp người bệnh có thể điều trị cũng như sinh hoạt phòng ngừa bệnh.
Nguyên nhân chủ yếu bệnh là do thoát vị đĩa đệm vùng cột sống thắt lưng. Đĩa đệm nằm ở khe giữa của hai đốt sống, giữa chúng có lớp vỏ sợi bọc nhân nhày ở trung tâm. Nhờ đặc tính đàn hồi, đĩa đệm giúp giảm xóc, bảo vệ cột sống khỏi những chấn thương, khi có một lực tác động mạnh vào cột sống, nhất là sau động tác cúi khom người, bê vác vật nặng, …có thể làm nhân nhày qua chỗ rách của đĩa đệm thoát vị ra ngoài và chui vào ống sống gây chèn ép rễ thần kinh vùng cột sống thắt lưng, gây nên chứng đau thần kinh tọa.
Ngoài ra, một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh khác như: làm việc sai tư thế, bê vác vật quá nặng quá sức, chấn thương, phụ nữ mang thai, tổn thương thân đốt sống, …
3.Phòng ngừa bệnh đau thần kinh tọa
Để phòng tránh những tổn thương lên hệ thần kinh vùng cột sống cũng như tránh bệnh đau thần kinh tọa cần lưu ý:
– Tránh làm làm việc, đứng hoặc ngồi trong 1 tư thế quá lâu.
– Chú ý trong tư thế làm việc, tránh cúi khom, tránh bê vác vật nặng
– Mang giày đúng cỡ, thoải mái, hạn chế sử dụng giày cao gót.
– Tập thể dục mỗi ngày với các động tác làm tăng độ dẻo dai cho cột sống.
– Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể, ưu tiên những thực phẩm giàu can xi giúp xương chắc khỏe.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương – Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh