1. Triệu chứng viêm khớp cùng chậu là gì?
Khi khớp cùng chậu bị viêm, người bệnh thấy đau ở vùng cột sống thắt lưng cùng, giữa hai mông, vùng chậu hông. Đau thường có tính chất âm ỉ, kéo dài dai dẳng. Bệnh thường có những triệu chứng đau vùng thắt lưng kéo dài, đau cả vùng xương chậu và xương cụt, đau khi ngồi lâu và xuất hiện cứng và tê xuống hai chân, hạn chế cúi ngửa, xoay. Đau có thể lan xuống đùi, cẳng chân giống như đau dây thần kinh tọa.
Đa số người bệnh, thường đau tăng khi đứng lâu, dạng chân, khi đứng dồn lực vào một bên chân, hoặc khi chạy hoặc leo cầu thang hoặc gây căng cứng cơ. Trong một số trường hợp, người phụ nữ còn có những dấu hiệu viêm vùng tiểu khung với các triệu chứng đau bụng âm ỉ, đau bụng dưới, đau khi đại tiểu tiện, tiết dịch hay chảy máu âm đạo bất thường, giao hợp đau.
Ngoài biểu hiện viêm khớp cùng chậu, bệnh nhân nữ còn có thể có các dấu hiệu kèm theo như sốt, tiểu buốt, tiểu rắt, nước tiểu đục hay có máu hoặc khí hư đục, có mùi, sốt và rét run, buồn nôn và nôn.
2. Viêm khớp cùng chậu có chữa khỏi được không?
Viêm khớp cùng chậu nếu để lâu không được chữa trị bệnh sẽ gây ảnh hưởng lớn đến quá trình vận động. Mặt khác, viêm khớp cùng chậu có thể lan ra, gây tổn thương dây thần kinh tọa, thậm chí làm teo cơ đùi và nếu để lâu sẽ teo cơ mông.
Với nữ giới, một số ít trường hợp viêm khớp cùng chậu nếu để lâu ngày có thể dẫn đến dính khớp, làm cho khung chậu không thể giãn ra được trong thời kỳ mang thai và khi sinh, dẫn đến đẻ khó dẫn đến phải mổ đẻ.
Thăm khám để được chẩn đoán chính xác bệnh viêm khớp cùng chậu và điều trị hiệu quả
Quá trình chữa trị viêm khớp cùng chậu lâu dài và có chữa trị được khỏi hay không còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và khả năng đáp ứng tích cực trong điều trị của người bệnh. Trường hợp viêm khớp cùng chậu sau đẻ thường khỏi nhanh hơn và khỏi hoàn toàn. Viêm khớp cùng chậu ở nhóm bệnh lý cột sống huyết thanh âm tính thường tồn tại dai dẳng. Viêm khớp cùng chậu nhiễm khuẩn tiên lượng phụ thuộc vào chẩn đoán và điều trị sớm hay muộn, có biến chứng viêm nhiễm, tắc đường sinh dục kèm theo hay không.
Nguyên tắc điều trị, ngoài việc dùng kháng sinh, thuốc giảm đau, cần kết hợp vật lý liệu pháp. Một điều cần nhấn mạnh là ngoài việc dùng thuốc thì việc tập luyện, vận động có thể là biện pháp chính chứ không thể chỉ dựa vào thuốc.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương – Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh