Viêm khớp dạng thấp ở Việt Nam chiếm 20% các loại bệnh khớp nằm điều trị tại bệnh viện. Tại sao tỷ lệ mắc viêm khớp dạng thấp lại nhiều như vậy, nguyên nhân gây ra bệnh viêm khớp dạng thấp là gì và cách điều trị ra sao, hy vọng bài viết sau đây sẽ giải đáp được những thắc mắc về bệnh viêm khớp dạng thấp.
1. Viêm khớp dạng thấp là bệnh gì?
Viêm khớp dạng thấp là bệnh xảy ra khi hệ thống tự miễn dịch tự tấn công lên mô xung quanh của khớp (màng hoạch dịch), sụn khớp và đầu xương dưới sụn, viêm khớp dạng thấp hay còn gọi là viêm mạn tính tự miễn trong các khớp.
Biểu hiện của viêm khớp dạng thấp là sưng, đau khớp, cứng khớp buổi sáng và đối xứng hai bên, ngoài ra còn có các biểu hiện toàn thân (mệt mỏi, xanh xao, sốt, gầy sút cân,…), bệnh còn gây tổn thương các cơ quan khác trên cơ thể, bệnh diễn biến mạn tính dẫn đến tình trạng dính và biến dạng khớp.
2. Nguyên nhân viêm khớp dạng thấp
Nguyên nhân gây viêm khớp dạng thấp vẫn chưa được biết một cách đầy đủ, tuy nhiên các nghiên cứu cho thấy, viêm khớp dạng thấp có liên quan đến các yếu tố sau:
– Yếu tố di truyền
– Các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn,…
– Yếu tố môi trường sống như môi trường sống ẩm thấp, nhiễm lạnh…
– Yếu tố cơ địa: cơ thể suy yếu, mệt mỏi, nhiễm lạnh, nữ giới khả năng mắc bệnh viêm khớp dạng thấp cao hơn và độ tuổi trên 30 cũng có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn.
Triệu chứng của Viêm khớp dạng thấp
– Giai đoạn đầu (giai đoạn khởi phát): bệnh khởi phát từ từ, tăng dần, khớp bị sưng nóng, người bệnh sốt nhẹ, mệt mỏi, gầy sút, ra nhiều mồ hôi, tê các đầu chi. Giai đoạn này kéo dài đến vài tuần hoặc vài tháng rồi chuyển sang giai đoạn toàn phát.
– Giai đoạn toàn phát: Xuất hiện viêm đau nhiều khớp (khớp cổ tay, khớp bàn ngón, khớp cổ chân,…), xuất hiện tổn thương ở sụn khớp và đầu xương, ở giai đoạn này người bệnh có nguy cơ bị biến dạng khớp, dính khớp, cứng khớp và mất khả năng vận động.
3. Phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp
– Viêm khớp dạng thấp là bệnh mạn tính kéo dài hàng chục năm, do đó đòi hỏi quá trình điều trị phải kiên trì, liên tục, có khi đến hết đời. Thời gian điều trị phải chia làm nhiều giai đoạn: nội trú, ngoại trú và điều dưỡng.
– Có thể phải điều trị kết hợp giữa nội khoa, phục hồi chức năng và ngoại khoa.
– Trong quá trình điều trị cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của bệnh và các tai biến, biến chứng có thể xảy ra.
Khi phát hiện có những dấu hiệu của viêm khớp dạng thấp, bạn cần tới khám tại các phòng khám chuyên khoa cơ xương khớp để được chẩn đoán sớm và có phương pháp điều trị thích hợp nhằm hạn chế những tai biến biến chứng có thể xảy ra gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống như teo cơ, biến dạng khớp, thậm chí là tàn phế do viêm khớp dạng thấp.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương – Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh