Viêm sụn sườn hay còn gọi là viêm khớp sụn sườn, là tình trạng đau và căng tức ngực do khớp sụn sườn bị sưng viêm. Khớp sụn sườn là đoạn mô xốp dày và đàn hồi, nối giữa xương sườn và xương ức. Thông thường viêm sụn sườn thường tự khỏi sau vài ngày.
Triệu chứng của viêm sụn sườn là gì
Triệu chứng của viêm khớp sụn sườn rất giống với đau thắt ngực do bệnh tim gây ra như:
- Đau và khó chịu ở một hoặc hai bên ngực;
- Cơn đau có thể kéo dài trong vài ngày thậm chí lâu hơn;
- Đau thường dữ dội hơn khi hắt hơi, ho hoặc hít thở sâu;
- Thở gấp, thở ngắn, khó thở.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn có các triệu chứng được đề cập ở trên, hay có bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa và tình trạng bệnh lý ở mỗi người có thể khác nhau i. Hãy thăm khám với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.
Nguyên nhân gây ra viêm sụn sườn là gì?
Đến nay vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ra viêm sụn sườn, tuy nhiên, các bác sĩ tin rằng viêm sụn sườn có thể có liên quan đến:
- Tập luyện quá sức hoặc đột ngột nâng vật nặng;
- Chấn thương vùng ngực;
- Ho dai dẳng, từ đó ảnh hưởng đến cơ xương vùng ngực;
- Viêm khớp mạn tính;
- Nhiễm trùng khớp, nhiễm virus lao phổi, vi khuẩn giang mai…;
- Khối u ở vùng sụn sườn. Khối u lành tính hay ác tính đều có thể gây viêm sụn sườn.
Những ai thường mắc phải viêm sụn sườn?
Viêm sụn sườn thường xảy ra ở trẻ em và thanh thiếu niên. Hầu hết, những ca mắc phải can bệnh này đều trong độ tuổi từ 10 đến 21. Viêm sụn sườn cũng có thể xảy ra ở người lớn với tỷ lệ nữ mắc bệnh là 70%. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc viêm sụn sườn? Bạn sẽ có nguy cơ mắc viêm sụn sườn nếu:
- Hút thuốc lá;
- Béo phì;
- Có sức đề kháng yếu;
- Mắc các bệnh rối loạn tự miễn hoặc các bệnh về khớp;
- Bị ung thư phổi, ung thư vú hoặc u tuyến giáp;
- Đã từng mắc hội chứng Tietze.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương – Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh