1. Tìm hiểu về bệnh loãng xương ở người trẻ
Loãng xương là tình trạng rối loạn chuyển hóa của bộ xương, làm giảm sức mạnh của xương và gây ra nguy cơ bị gãy xương. Đây là căn bệnh làm giảm mật độ và kết cấu của xương, khiến xương giòn, xốp, dễ gãy.
Sự phát triển của xương được đo bằng khối lượng khoáng chất, phát triển theo cơ thể và đạt đến một ngưỡng nhất định. Cụ thể quá trình phát triển diễn ra như sau:
– Trước 25 tuổi: Khoảng thời gian này, quá trình sản sinh xương sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn quá trình hủy xương, giúp chúng ta phát triển chiều cao.
– Sau 25 tuổi: Các tế bào sinh xương và hủy xương diễn ra ở mức cân bằng để đảm bảo khối lượng của toàn bộ hệ thống xương ổn định.
– Sau 40 tuổi: Ở giai đoạn này, chất lượng xương giảm sút do tế bào hủy xương phát triển mạnh hơn.
1.1. Tại sao có thể xảy ra bệnh loãng xương ở người trẻ?
Theo các chuyên khoa, có rất nhiều nguyên nhân làm người trẻ tuổi mắc bệnh loãng xương. Bao gồm:
– Do nồng độ estrogen thấp: Estrogen là 1 loại nội tiết tố giúp bảo vệ mật độ khoáng chất trong xương. Vì vậy khi nồng độ estrogen thấp hoặc bị giảm thì các thành phần trong xương cũng bị suy yếu dần, từ đó gây nên bệnh loãng xương.
– Do gen di truyền: Theo nghiên cứu, nếu trong gia đình có người thân từng bị mắc bệnh loãng xương thì bệnh nhân có nguy cơ bị loãng xương còn trẻ tuổi rất cao.
– Do chế độ ăn uống không phù hợp: Trong chế độ ăn uống hàng ngày, bệnh nhân thường sử dụng thực phẩm có hại cho cơ thể, dinh dưỡng thấp, ít canxi, kali, magie làm cho xương khớp không được cung cấp đủ dưỡng chất giữ cho xương chắc khỏe.
– Ít vận động và không thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng mặt trời: Lười vận động, ngồi nhiều một chỗ sẽ đẩy nhanh quá trình phân hủy xương. Ánh sáng mặt trời vào buổi sáng chứa nhiều vitamin D rất tốt cho hệ xương khớp. Người bệnh nên chịu khó dậy sớm và hấp thụ chất.
– Do tác dụng phụ của thuốc: Một số bệnh lý nền ở người trẻ tuổi sẽ cần phải sử dụng một số loại thuốc điều trị như thuốc chống co giật, thuốc ức chế bơm proton,… Các loại thuốc này nếu điều trị thời gian dài sẽ gây ra giảm mật độ xương, giảm khả năng hấp thụ canxi, tăng nguy cơ loãng xương.
1.2. Sự khác nhau của bệnh loãng xương ở người trẻ và người cao tuổi
Thông thường, người ở độ tuổi mãn kinh và người già có nguy cơ mắc bệnh loãng xương cao nhất. Tuy nhiên hiện nay do một số tác nhân bên ngoài mà loãng xương có xu hướng trẻ hóa và tăng cao. Vậy loãng xương ở người cao tuổi và người trẻ có những điểm gì khác nhau?
2. Loãng xương xảy ra ở người trẻ có nguy hiểm không?
Theo số liệu thống kê, đa số các ca mắc loãng xương ở giới trẻ hiện nay đều là loãng xương thứ phát – liên quan tới một số bệnh mãn tính như tiểu đường, cường giáp, gan mạn tính, viêm khớp dạng thấp,… Chính vì vậy, khi loãng xương không được điều trị kịp thời mà ủ bệnh thời gian dài có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe và tính mạng người bệnh như:
– Biến dạng cột sống: Người mắc loãng xương có thể bị gù vẹo cột sống. Nếu bị loãng xương đốt sống ngực có thể biến dạng lồng ngực, nghiêm trọng hơn gây khó thở.
– Gãy xương: Hậu quả của việc gãy xương có thể gây tàn tật, có 20% ca tử vong do gãy xương
– Lún xẹp đốt sống: So với mức độ nguy hiểm của gãy xương có thể gây tử vong thì lún xẹp đốt sống làm bệnh nhân có thể phải tàn tật suốt đời, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.
3. Phòng ngừa bệnh loãng xương ở người trẻ như thế nào?
Để hạn chế tình trạng loãng xương, bạn cần:
– Cung cấp đủ vitamin D và canxi theo nhu cầu của từng lứa tuổi. Với trẻ em dưới 15 tuổi: nhu cầu canxi là 600 – 700mg/ngày; với trẻ > 15 tuổi: nhu cầu canxi là 1000mg/ngày; ở người lớn: 1200mg/ngày
– Thường xuyên luyện tập, vận động ngoài trời giúp giữ cho xương chắc khỏe, cơ bắp dẻo dai
– Không hút thuốc, hạn chế bia rượu và các chất kích thích, thực hiện lối sống lành mạnh
– Khi thấy có những dấu hiệu đau nhức, đau mỏi cơ thể, đau bắp tay, chuột rút, ớn lạnh,… cần đi khám sức khỏe ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương – Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh