Những cơn đau nhức mu bàn chân gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày của nhiều người. Vậy nguyên do từ đâu dẫn đến những cơn đau này và bạn phải làm gì để cải thiện tình trạng đau nhức? Bài viết sau sẽ mang đến câu trả lời cho những băn khoăn trên.
1. Nguyên nhân dẫn đến đau nhức mu bàn chân
Đau nhức mu bàn chân có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như:
1.1. Do các yếu tố tác động bên ngoài
Chấn thương mu bàn chân do tai nạn, lao động hoặc chơi các môn thể thao phải sử dụng chân nhiều như: bóng đá, điền kinh, quần vợt, bóng rổ… có thể gây ra những tổn thương như bong gân, trật khớp, gãy xương khiến khớp chân bị suy yếu gây ra những đau đớn.
Việc bạn mang giày không vừa chân, mang giày quá cao khiến trọng lượng cơ thể dồn lên phía trước, mu bàn chân bị kéo căng hoặc chèn ép lên ngón chân có thể khiến mu bàn chân bị sưng đau.
1.2. Do các bệnh lý
Các bệnh lý về xương khớp như: viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp… gây ra những cơn đau ở bàn chân, ngón chân, đầu gối, mắt cá chân…
– Do các bệnh liên quan đến dây thần kinh: đau dây thần kinh tọa,… kèm theo những triệu chứng như cảm giác bị tê, nhức nhối, mất cảm giác ở chân, bắt đầu từ ngón chân và tăng dần lên phía trên.
– Các bệnh liên quan đến mạch máu như viêm tắc động mạch, co mạch… khiến máu không thể lưu thông đến các cơ, gây đau nhức tại các khớp.
– Bệnh gout: Người mắc gout cũng có biểu hiện đau nhức mu bàn chân, mới đầu bệnh gây đau ngón chân cái, sưng tấy, nóng đỏ tại các khớp, sưng bàn chân, cơn đau xuất hiện về đêm với cường độ tăng dần. Bệnh có thể chuyển sang giai đoạn mạn tính khiến các khớp bị biến dạng, u cục mọc lên… nếu không được điều trị kịp thời.
2. Cách xử trí khi bị đau nhức mu bàn chân
Đau mu bàn chân dù do nguyên nhân nào thì tình trạng này kéo dài cũng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, khiến người bệnh bị mệt mỏi, đau đớn… vì bàn chân nâng đỡ sức nặng của toàn bộ cơ thể. Chính vì vậy, khi có những triệu chứng đau mu bàn chân kéo dài hoặc nghi ngờ do chấn thương thì bạn cần đến gặp bác sĩ để tìm ra nguyên nhân đau và có biện pháp điều trị phù hợp.
Ngoài ra bạn cần chú ý những điều sau:
2.1. Ngâm chân vào nước muối ấm, pha gừng
Ngâm chân với nước muối ấm, pha gừng khoảng 15-30 phút vào mỗi tối để giúp bệnh nhân giảm đau, ngủ ngon và đào thải các độc tố. Phương pháp này không chỉ có tác dụng thư giãn, giảm đau mu bàn chân mà còn rất hữu hiệu trong phòng ngừa các bệnh cho toàn thân. Tuy nhiên nó chỉ hỗ trợ chứ không giúp trị bệnh tận gốc
2.2. Cho đôi chân nghỉ ngơi
Cố gắng hạn chế sử dụng mu bàn chân càng ít càng tốt, tránh cho chân chịu lực, cố gắng di chuyển ít nhất có thể trong những ngày đầu có triệu chứng đau mu bàn chân.
2.3. Các phương pháp khác
Ngoài ra bạn có thể sử dụng thuốc kháng sinh, giảm đau, giảm viêm, phương pháp xoa bóp, vật lý trị liệu, hay cố định những chấn thương theo chỉ định của bác sĩ.
Hy vọng qua bài viết bạn đã hiểu về nguyên nhân dẫn đến cơn đau nhức mu bàn chân cũng như cách cải thiện tình trạng trên. Chúc bạn luôn có một hệ cơ xương khớp khỏe mạnh, dẻo dai!
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương – Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh