1. Thoái hóa khớp gối là gì?
Thoái hóa khớp gối là tình trạng sụn khớp bị tổn thương kèm theo các phản ứng viêm và suy giảm dịch khớp, có thể gây ra các gai xương và hốc xương dưới sụn.
Thoái hóa khớp gối thường xuất hiện khi quá trình tổng hợp và hủy hoại của sụn và xương dưới sụn bị mất cân bằng. Lúc này, quá trình tái tạo sụn khớp không kịp bù đắp vào lớp sụn đã mất đi theo thời gian.
Thoái hóa khớp gối thường dễ mắc phải ở người cao tuổi, tuy nhiên hiện nay, độ tuổi có nguy cơ bị thoái hóa khớp gối đang ngày càng trẻ hóa do ảnh hưởng của thói quen sinh hoạt thiếu khoa học và chế độ ăn uống không lành mạnh.
2. Nguyên nhân
2.1. Thoái hóa khớp gối nguyên phát
Dưới đây là những nguyên nhân chính gây ra tình trạng thoái hóa khớp gối:
– Do tuổi tác: Tuổi tác càng cao thì các sụn khớp ở khối càng dễ bị bào mòn, kém đàn hồi và mất khả năng chịu lực. Bệnh thường phát triển chậm, bắt đầu từ một khớp rồi lan dần sang nhiều khớp xương khác.
– Do các yếu tố nội tiết và sự chuyển hóa của cơ thể: Nội tiết cơ thể thay đổi ở thời kì mãn kinh hoặc khi bị đái tháo đường có thể tác động đến việc làm xuất hiện các bệnh lý về xương khớp.
– Do di truyền: Nếu trong gia đình có người thân đã bị thoái hóa khớp gối thì nguy cơ mắc phải căn bệnh này cũng cao hơn.
2.2. Thoái hóa khớp gối thứ phát
Thoái hóa khớp gối thứ phát thường được gây ra bởi những nguyên nhân sau đây:
– Giới tính và hormone: Tỉ lệ mắc bệnh ở nữ giới cao hơn so với nam giới do chịu ảnh hưởng của hormone sinh dục nữ.
– Chấn thương: Nếu bị các chấn thương ở khớp gối như gãy xương, viêm bao hoạt dịch, viêm gân bánh chè, rách dây chằng trước,… thì người bệnh cũng dễ bị thoái hóa khớp gối hơn so với bình thường.
– Thừa cân, béo phì: Cân nặng dư thừa sẽ làm tăng áp lực của cơ thể lên xương khớp, khiến xương khớp bị đè nén, lâu ngày có thể bị biến dạng.
– Chế độ dinh dưỡng: Bổ sung không đủ vitamin D cho cơ thể cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc thoái hóa khớp gối.
– Chế độ vận động: Lười tập thể dục hoặc lao động nặng nhọc, vận động quá sức cũng có thể thúc đẩy thoái hóa khớp gối diễn ra nhanh hơn.
– Bẩm sinh: Một số dị tật bẩm sinh ở gối như khớp gối bị quay ra ngoài, quay vào trong hoặc quá duỗi cũng gây ra thoái hóa khớp gối về sau.
– Ảnh hưởng của tổn thương viêm khác tại khớp gối (viêm khớp thấp, viêm cột sống dính khớp, gout, chảy máu trong khớp,…)
3. Dấu hiệu nhận biết bệnh thoái hóa khớp gối là gì?
Người bị thoái hóa khớp gối thường có một hoặc nhiều biểu hiện trong số các triệu chứng được liệt kê dưới đây:
– Đau quanh khớp gối, ở mặt trước hoặc trong khớp gối. Lúc đầu chỉ đau nhẹ, cơn đau tăng dần và kéo dài khi vận động, khi chuyển từ ngồi sang đứng và thường đau nhiều vào ban đêm.
– Cứng khớp, khớp mất linh hoạt và khó cử động sau khi ở lâu một chỗ, đặc biệt là vào sáng sớm hoặc khi mới ngủ.
– Khớp gối có thể bị sưng to do viêm hoặc tràn dịch khớp, nếu chọc hút dịch thì vẫn có thể tái phát sau vài ngày.
– Lệch trục chân, thậm chí bị mất chức năng vận động.
4. Biến chứng của thoái hóa khớp gối
Ngoài những cơn đau mạn tính và cảm giác khó chịu diễn ra thường xuyên, nếu không được điều trị kịp thời, thoái hóa khớp gối có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm. Những biến chứng này sẽ làm suy giảm chức năng vận động một cách rõ rệt, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Có thể kể đến một số biến chứng điển hình sau:
– Cứng khớp, khớp mất linh hoạt
– Gặp khó khăn trong việc đi lại, hạn chế khả năng vận động
– Biến dạng khớp gối, chi dưới có thể bị cong, vẹo
– Teo cơ
– Sụn khớp bị vôi hóa
– Tàn phế, bại liệt
Bên cạnh đó, thoái hóa khớp gối cũng có thể tác động làm ảnh hưởng đến tâm lý và góp phần làm tăng nguy cơ mắc phải một số bệnh khác như:
– Rối loạn giấc ngủ
– Lo âu, trầm cảm
– Làm việc kém năng suất
– Cân nặng mất kiểm soát
– Nguy cơ về bệnh tim mạch, huyết áp, tiểu đường,…
5. Các phương pháp điều trị
Hiện nay, thoái hóa khớp gối vẫn chưa thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, dựa trên tình trạng cụ thể của từng người bệnh, các bác sĩ có thể lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp để giảm thiểu tối đa cảm giác đau đớn, ngăn chặn các biến chứng, đảm bảo việc sinh hoạt và làm việc của người bệnh diễn ra bình thường.
Nếu người bệnh vẫn còn trẻ và bị thoái hóa khớp gối do chấn thương thì bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật nội soi qua khớp gối để có thể kích thích tủy xương phục hồi và phát triển.
5.3. Ghép tế bào sụn tự thân
Phương pháp này thường được kết hợp với phẫu thuật nội soi tạo tổn thương dưới sụn. Tuy nhiên, ghép tế bào sụn tự thân cũng chỉ được áp dụng với người bệnh có tổn thương ở mức độ nhẹ, sụn cần ghép có diện tích vừa hoặc nhỏ.
5.4. Ghép xương sụn tự thân hoặc đồng loại
Ghép xương sụn có thể giúp xương tại vị trí ghép liền lại, sụn ghép có khả năng sống cao như sụn ban đầu để đảm bảo được chức năng hoạt động. Phương pháp chỉ áp dụng được trong trường hợp thoái hóa khớp thứ phát hoặc tổn thương sụn có diện tích không lớn.
5.5. Đục xương sửa trục
Phương pháp này được thực hiện bằng cách loại bỏ một mảnh xương, sau đó nắn lại và cố định xương ở vị trí tổn thương, thường được áp dụng cho bệnh nhân ở giai đoạn sớm.
5.6. Thay khớp gối
Đây là phương pháp được chỉ định khi tình trạng thoái hóa khớp gối đã bước sang giai đoạn nặng, khớp gối nhân tạo thường có tuổi thọ trung bình từ 10 – 15 năm.
Khi phát hiện các dấu hiệu thoái hóa khớp gối trên cơ thể, bạn nên đến các cơ sở y tế uy tín kiểm tra để được chẩn đoán chính xác và phát hiện bệnh kịp thời, từ đó có phác đồ điều trị phù hợp và hiệu quả nhất.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương – Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh