Thoái hóa khớp gối là gì?
Thoái hóa khớp là tình trạng tổn thương, thoái hóa tiến triển chậm của sụn khớp, làm mất tính đàn hồi và khiến sụn không còn trơn nhẵn, có thể hình thành gai xương ở cạnh các khớp, kích thích gây trạng thái đau, giảm vận động. Đây là hậu quả của các quá trình cơ học và sinh học dẫn tới mất cân bằng giữa tổng hợp và hủy hoại của sụn khớp mà nguyên nhân chủ yếu do sự lão hóa của tế bào, tổ chức và nguyên nhân cơ giới (như tăng trọng tải, các vi chấn thương do sinh hoạt, nghề nghiệp, biến dạng thứ phát sau chấn thương…)
Trong đó, vị trí thoái hóa khớp thường gặp nhất là khớp gối, do thường xuyên chịu nhiều tác động mạnh.
Bệnh thường gặp ở nữ giới, chiếm 80% trường hợp thoái hóa khớp gối.
2. Các phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối
2.1. Nguyên tắc điều trị thoái hóa khớp gối
– Giảm đau trong các đợt tiến triển, phục hồi và duy trì khả năng vận động, hạn chế và ngăn ngừa biến dạng khớp
– Làm chậm quá trình huỷ hoại khớp, ngăn sự thoái hoá sụn khớp
2.2. Điều trị nội khoa
Thuốc điều trị triệu chứng có tác dụng nhanh
– Thuốc giảm đau:
+ Thường dùng nhóm Paracetamol, Effaralgan Codein… khi dùng kéo dài có nguy cơ gây suy gan.
+ Chống viêm không steroid: Việc sử dụng thuốc chống viêm không Steroid kéo dài có nguy cơ làm tăng tác dụng phụ trên thận và đường tiêu hóa. Hiện có thể dùng các thuốc chống viêm không Steroid thế hệ mới ức chế chọn lọc trên COX-2 giảm tác dụng phụ như Meloxicam, Celecoxib
– Corticosteroid: Corticoid tiêm tại khớp chỉ có tác dụng tạm thời giảm mạnh các triệu chứng trong vài tuần mà không có tác dụng lâu dài, ngoài ra có thể dẫn tới các biến chứng sụn khớp, tiêm hàng tuần gây thoái hóa sụn khớp
– Thuốc dùng ngoài da: Salonpas, Voltarel Emugel, Gendene… Hiện đang được ưa chuộng do ít tác dụng phụ hơn các thuốc dùng toàn thân
Thuốc điều trị triệu chứng tác dụng chậm
Các thuốc này hiệu quả đạt được sau khi sử dụng một thời gian dài (vài tuần đến 2 tháng) và hiệu quả đạt được duy trì ngay cả khi ngừng điều trị (sau vài tháng). Các thuốc này dung nạp tốt và gần như không có tác dụng phụ.
– Acid Hyaluronic (chất nhờn trong dịch khớp khớp) tiêm: Hylane F20…
– Ức chế men tiêu sụn: Struectum 250mg…
– Ngăn thoái hóa sụn: Piasclendien
– Ức chế men tiêu Protein: Glucosamin Sulfate
2.3. Vật lý trị liệu
– Nhiệt trị liệu như hồng ngoại, siêu âm, chườm nóng, liệu pháp suối khoáng, bùn
– Các bài tập duy trì vận động, làm mạnh cơ, chống cứng khớp, phục hồi chức năng…
2.4. Điều trị ngoại khoa
- Điều trị dưới nội soi khớp
– Cắt lọc, bào, rửa khớp
– Khoan kích thích tạo xương
– Cấy ghép tế bào sụn
- Phẫu thuật thay khớp nhân tạo
3. Điều trị thoái hóa khớp gối bằng chất nhờn
Các phương pháp điều trị triệu chứng nhanh bằng thuốc giảm đau như Paracetamol, chống viêm không Steroid về lâu dài có nhiều tác dụng phụ, nhất là với những bệnh nhân cao tuổi thường xuyên mắc kết hợp nhiều bệnh mãn tính như huyết áp, tiểu đường… Biện pháp phẫu thuật thay khớp giả khá tốn kém. Bởi vậy hiện biện pháp sử dụng chất nhờn đang được ưu tiên ứng dụng rộng rãi nhờ tính an toàn và hiệu quả của nó.
3.1. Vai trò Acid Hyaluronic
Acid Hyaluronic (AH) là một polysaccharid có trong dịch khớp với lượng khoảng 2,5 – 4,0mg/ml (bình thường khớp gối chứa khoảng 2ml dịch khớp). AH có tính chất nhớt và đàn hồi (đàn hồi khi lực tác động lên mạnh, nhớt như dầu bôi trơn khi lực tác động lên nhẹ), giúp đệm giảm xóc, bôi trơn và bảo vệ khớp.
Khi khớp thoái hóa, số lượng AH và chất lượng của nó trong dịch khớp giảm dẫn tới dịch khớp giảm độ nhớt, mất khả năng bảo vệ sụn khớp làm tăng tiến triển hủy hoại sụn khớp. Lượng AH lúc này chỉ còn một nửa đến 2/3 so với bình thường.
3.2. Acid Hyaluronic sử dụng trong điều trị thoái hóa khớp gối
Khi tiêm bổ sung AH vào trong khớp, nồng độ và trọng lượng phân tử của AH nội sinh tăng kéo dài làm cải thiện đáng kể chức năng khớp, giảm đau, tác dụng kéo dài hàng tháng. AH tiêm trong khớp giúp làm ức chế cảm thụ đau do đó làm giảm đau, ngăn chặn tác dụng của cytokyne và ngăn sinh tổng hợp PGE2 giúp kháng viêm. AH ức chế thoái hóa sụn khớp do gia tăng hoạt tính men TIMP, kết nối các proteoglycan và tăng sinh tổng hợp tế bào sụn khớp.
AH lưu trong dịch khớp khoảng 7 ngày nhưng duy trì tác dụng trong 6 tháng do kích thích sản xuất AH nội sinh, hiệu quả bền vững hơn so với tiêm Corticoid nội khớp.
3.3. Khi nào và những ai có thể điều trị thoái hóa khớp gối bằng chất nhờn
Liệu pháp điều trị thoái hóa khớp gối bằng chất nhờn (tiêm Sodium Hyaluronate) có tác dụng điều trị từ mức độ trung bình đến nặng vừa. Nó đặc biệt có lợi với bệnh nhân không đáp ứng với điều trị thông thường, hạn chế sử dụng giảm đau, cũng như trì hoãn thời gian phẫu thuật thay khớp.
Liệu trình điều trị này thường kéo dài trong 5 tuần và mỗi tuần tiêm 1 lần. Thường người bệnh sẽ được điều trị phổ biến bằng thuốc ống chứa 2 – 2,5ml AH/ống. Khi tiêm nội khớp AH cần đảm bảo vô khuẩn và đã hút dịch khớp gối. Sau khoảng 3 tuần chữa trị người bệnh sẽ bắt đầu thấy hiệu quả.
Một số trường hợp sau khi tiêm có thể sẽ bị đau ở vị trí tiêm, bị viêm, đau cơ hay khớp cùng với đó là cảm giác mệt mỏi. Thường những triệu chứng này sẽ mất sau khoảng 2 – 3 ngày và người bệnh chỉ gặp triệu chứng này 1 lần trong suốt quá trình tiêm.
3.4. Tổng kết ưu nhược điểm của điều trị thoái hóa khớp gối bằng chất nhờn
Ưu điểm của phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối bằng chất nhờn
– Tương đối an toàn
– Hiệu quả kéo dài (duy trì tác dụng tới 6 tháng)
Nhược điểm của phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối bằng chất nhờn
– Chỉ hiệu quả khi tiêm đủ liều
– Sau một thời gian dịch khớp cạn, cảm giác đau sẽ trở lại.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương – Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh