Bệnh gout thường diễn biến âm thầm nếu không được điều trị sớm, những biến chứng nguy hiểm do bệnh gout gây nên có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh.
Biến chứng nguy hiểm do bệnh gout
Bệnh gout gây tổn thương thận
Theo các con số thống kê có tới trên 20% bệnh nhân gout có những tổn thương thận, phổ biến là viêm khe thận và viêm cầu thận. Nguyên nhân chủ yếu là do nồng độ acid uric trong máu tăng cao và được cơ thể đào thải qua đường tiểu tiện. Chính vì thế đã đạo điều kiện thuận lợi để các tinh thể muối urat lắng đọng tại hệ tiết niệu và gây nên tình trạng sỏi thận. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ khiến cho bệnh nhân gout bị giảm dần chức năng thận và dẫn đến suy thận, ứ mủ, thận bị ứ nước,….
Bệnh gout gây viêm khớp
Viêm khớp là biến chứng phổ biến nhất ở những người mắc bệnh gout, bệnh gout rất dễ nhầm lẫn với viêm khớp nhiễm khuẩn.
Các đợt viêm khớp kéo dài sẽ hủy hoại các đầu xương, sụn khớp khiến cho người bệnh hạn chế vận động, khó khăn trong đi lại và cuối cùng là dẫn đến biến dạng khớp, tàn phế.. Đặc biệt, bệnh gút giai đoạn mãn tính còn làm xuất hiện nhiều hạt tophi, khi hạt tophi kết hợp cùng thoái hóa khớp sẽ chèn ép mạch máu gây nên các bệnh lý về mạch máu, thần kinh. Khi các hạt tophi này vỡ ra cũng rất dễ gây nhiễm trùng, nhiễm khuẩn có thể phải cắt cụt các chi.
Bệnh gout gây tai biến
Trường hợp sử dụng các loại thuốc tây không đúng và sử dụng kéo dài để điều trị bệnh cũng là nguyên nhân gây tai biến. Sự lắng đọng các tinh thể muối sẽ làm viêm màng trong tim, viêm cơ tim và làm tổn thương van tim khiến cho tính mạng của bệnh nhân bị đe dọa. Nếu các tinh thể muối lắng đọng ở những mảng động mạch bị xơ vữa và gây tổn thương các mạch máu từ đó làm giảm lưu thông máu, gây tắc mạch khiến cho bệnh nhân rơi vào tình trạng rất nguy hiểm.
Chăm sóc người bệnh gout phòng ngừa biến chứng
Để phòng ngừa biến chứng nguy hiểm do bệnh gout gây ra, hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả việc chăm sóc cho người bệnh cần được sự tư vấn của bác sĩ điều trị. Theo đó, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề sau:
Chế độ ăn uống hợp lý
Những người bị bệnh gout cần lưu ý đặc biệt đến khẩu phần ăn hàng ngày. Hạn chế tối đa các thực phẩm có nhiều đạm thịt đỏ, nội tạng động vật (gan, tim, lưỡi, phổi, mề), nấm, bánh kem, hải sản, đậu đỗ, súp lơ, củ cải, các loại trái cây nhiều Vitamin C tự nhiên… Không uống rượu, bia, nước ngọt, nước hoa quả đóng chai và các loại đồ uống có ga. Mỗi ngày nên uống khoảng 2-3 lít nước để lợi tiểu.
Chế độ sinh hoạt
Không hoạt động nặng, không làm việc quá sức, tránh thức khuya vì điều này sẽ vô tình làm tổn thương sụn khớp. Người bệnh nên vận động nhẹ nhàng như đi bộ, tập các bài tập rèn luyện sức khỏe vừa sức để các khớp được linh hoạt, dẻo dai. Sau mỗi lần vận động cần có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, ăn uống vừa sức để tránh bệnh tái phát.
Không tự ý dùng thuốc
Các triệu chứng bệnh gout rất dễ nhầm lẫn với các bệnh đau nhức xương khớp nên tự ý đi mua thuốc giảm đau, tiêu sưng về uống. Thậm chí nhiều người còn tìm mua các thuốc đào thải axit uric trong máu nhanh nhất để thuyên giảm bệnh, điều này vô tình khiến thận bị áp lực, lượng axit uric ở thận quá cao dễ dẫn tới sỏi thận, suy thận.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương – Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh