Hội chứng ống cổ tay và hội chứng chèn ép thần kinh trụ ở khuỷu tay là hai nhóm bệnh lý thường gặp, trong đó tần suất thường gặp nhiều hơn cả là hội chứng ống cổ tay.
Người ta ghi nhận có khoảng 80% bệnh nhân bị hội chứng ống cổ tay có tình trạng thức giấc ban đêm do tê tay. Tê tay vào ban đêm là đặc điểm chính của hội chứng ống cổ tay, hội chứng chèn ép thần kinh trụ ở khuỷu tay. Làm sao cải thiện các triệu chứng ban đêm là một trong những kết quả điều trị mà hầu hết người bệnh mong đợi.
Mục đích của bài viết này là chúng tôi muốn cung cấp cho người bệnh các đặc điểm của rối loạn giấc ngủ liên quan đến hội chứng ống cổ tay. Những bệnh nhân mắc hội chứng ống cổ tay cho biết họ gặp nhiều khó khăn hơn về giấc ngủ so với những người khác. Điểm đáng lưu ý là những vấn đề rối loạn giấc ngủ ở các bệnh nhân này không liên quan đến tuổi tác, nghĩa là các nhóm tuổi bị hội chứng ống cổ tay đều có thể gặp phải vấn đề ảnh hưởng giấc ngủ.
Vì sao tê tay gây mất ngủ?
Hàng năm, có khoảng 1 triệu người trưởng thành ở Hoa Kỳ bị ảnh hưởng bởi hội chứng ống cổ tay, và ước tính khoảng 400.000 ca phẫu thuật được thực hiện mỗi năm. Bệnh nhân mắc hội chứng ống cổ tay có chất lượng cuộc sống kém hơn, chức năng thể chất kém hơn và bị đau nhiều hơn người bình thường.
Một số yếu tố nguy cơ có liên quan đến sự phát triển của hội chứng ống cổ tay bao gồm tuổi tác, chỉ số khối cơ thể (BMI), mang thai, hình thái học cổ tay, tiền sử chấn thương, đái tháo đường, viêm khớp dạng thấp, bệnh to đầu chi và suy giáp. Dị cảm về đêm là một đặc điểm lâm sàng của hội chứng ống cổ tay và là một phàn nàn thường xuyên của bệnh nhân.
Các triệu chứng chèn ép dây thần kinh vào ban đêm có liên quan đến tư thế ngủ. Cụ thể là trong hội chứng ống cổ tay, tư thế ngủ có liên hệ mật thiết với chứng tê tay về đêm. Nhận thức được điều này, chúng ta sẽ có những biện pháp can thiệp điều trị và phòng ngừa.
Dị cảm, tê tay về đêm là một triệu chứng phổ biến. Mang nẹp cổ tay ban đêm là phương pháp điều trị đầu tiên được khuyến cáo khi mắc hội chứng ống cổ tay. Tư thế ngủ nằm nghiêng khiến tăng tần suất tê tay ban đêm, chẳng hạn khi cổ tay bị tăng áp suất do kê tay dưới má, hay bị gập thì có thể làm triệu chứng nặng thêm. Tỷ lệ ngủ nằm nghiêng cũng tăng lên theo tuổi già, trong khi hội chứng ống cổ tay có tỷ lệ mắc cao nhất từ 50-54 tuổi và dễ tái phát ở độ tuổi 75-84.
Những người bị hội chứng ống cổ tay thường bị ngủ ít hơn 2,5 giờ mỗi đêm so với lượng khuyến nghị của Tổ chức Giấc ngủ Quốc tế. Chính tác động tiêu cực của hội chứng ống cổ tay đối với giấc ngủ sẽ làm giảm khả năng chịu đau, sự hồi phục của cơ thể. Thiếu ngủ làm suy giảm chức năng nhận thức, vận động, tâm trạng và bệnh lý. Đây cũng là cái vòng lẩn quẩn khiến triệu chứng theo đà trầm trọng hơn.
Cải thiện tư thế khi ngủ bằng giữ cho cổ tay trung tính có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của triệu chứng. Nẹp cổ tay ban đêm đáp ứng được yêu cầu này và giúp cải thiện triệu chứng cho người bệnh. Ngay cả những người bị dị cảm tay vào ban đêm mà không có bằng chứng chẩn đoán rõ ràng về hội chứng ống cổ tay thì vẫn có thể cải thiện triệu chứng nếu mang nẹp vào ban đêm và thay đổi tư thế ngủ. Đây là biện pháp can thiệp sớm giúp giảm các triệu chứng về đêm và ngăn chặn sự tiến triển của hội chứng ống cổ tay.
Các biện pháp giúp giảm tê tay về đêm
Để giúp cải thiện bớt triệu chứng tê tay về đêm do hội chứng ống cổ tay hay hiện tượng chèn ép thần kinh trụ ở khuỷu tay, bạn cần chú ý đến các vấn đề như sau:
1. Duy trì cột sống cổ thẳng trục cơ thể khi nằm ngủ. Chú ý chiều cao gối cho phù hợp để tránh cột sống cổ nghiêng về một bên quá mức khi nằm nghiêng.
2. Tránh nằm ngủ nghiêng về phía bị tê tay. Khi nằm ngửa, tránh gác tay lên trán.
3. Tránh nằm sấp khi ngủ.
4. Giữ vị trí cổ tay trung tính; nếu cần thiết, hãy sử dụng nẹp cổ tay. Tránh gập khuỷu tay > 30°. Cân nhắc việc nẹp khăn bông vùng khuỷu để hạn chế gập khuỷu quá mức nếu bạn không thể kiểm soát điều này khi ngủ.
5. Đặt cánh tay trên gối ở phía trước khi nằm nghiêng để giữ cẳng tay ở tư thế trung lập.
7. Tránh đặt tay dưới má hay dưới đầu. Tránh gối đầu lên cẳng tay hay bàn tay.
Khi đã thay đổi các điều trên, nhưng diễn tiến tê tay về đêm vẫn không giảm, bạn nên đi khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân và chữa trị kịp thời. Việc trì hoãn điều trị có thể làm cho diễn tiến ngày càng trầm trọng hơn và kém hồi phục.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương – Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh